Dù là tỉnh nhỏ nhất nhưng địa phương này lại dẫn đầu cả nước về một chỉ số kinh tế đặc biệt.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Bắc Ninh, tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III của tỉnh đạt mức 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh tăng 5,52%, với cả ba khu vực kinh tế đều ghi nhận tăng trưởng dương. Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt 168.870 tỷ đồng.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 70,68%.
Trong 9 tháng đầu năm, Bắc Ninh duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 4,5 tỷ USD. Cụ thể, tỉnh cấp mới 339 dự án, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn 1,568 tỷ USD, tăng 1,8 lần. Đã có 147 dự án điều chỉnh vốn, với mức tăng 2,684 tỷ USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 31 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá 51,7 triệu USD, và thu hồi 65 dự án.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trong 9 tháng đầu năm ước đạt 55,2 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,8% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,8 tỷ USD, giảm 2,3%; nhập khẩu đạt 25,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Xuất siêu ước đạt 4,4 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh tháng 9 tăng 17,92% so với tháng trước và tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 5,79% so với cùng kỳ. Bình quân quý III, IIP tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, IIP của tỉnh tăng 7,45%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,38%.
Bắc Ninh được định hướng lên TP trực thuộc Trung ương |
Trong tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 8.430 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ. Quý III, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 25.063 tỷ đồng, tăng 11,4% so với quý III năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 74.778 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Bắc Ninh tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 2,92% so với tháng 9/2023 và tăng 1,95% so với tháng 12/2023. Bình quân quý III, CPI tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,84%, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,09%.
Tháng 9, Bắc Ninh ghi nhận 254 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.130 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh có 2.876 doanh nghiệp mới, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký 31.284 tỷ đồng, tăng 21,8%. Đồng thời, có 336 doanh nghiệp giải thể, tăng 31,2%; 1.607 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 10,5%; và 794 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,6%.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 9 ước đạt 1.660 tỷ đồng, giảm 9,1% so với tháng trước nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2024, thu ngân sách của tỉnh đạt 6.165 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt 24.354 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Chi ngân sách địa phương tháng 9 ước đạt 1.345 tỷ đồng, giảm 5,3% so với tháng trước nhưng tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý III, chi ngân sách đạt 3.904 tỷ đồng, tăng 31,2%. Tính chung 9 tháng, chi ngân sách địa phương đạt 11.424 tỷ đồng, đạt 54,1% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam với diện tích chỉ vỏn vẹn 822,7km2. Bắc Ninh cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50km.
Theo quy hoạch, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ngoài ra, tỉnh nhỏ nhất cả nước này sẽ trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, là một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh cũng hướng đến phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 8-9% mỗi năm, và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 346,6 triệu đồng.