Chi tiết

Gu đầu tư ‘không chốt lời, cắt lỗ’ của Warren Buffett phiên bản Thái Lan

Từ 300.000 USD, TS. Niwes Hemvachivarakorn nâng tổng tài sản hiện tại lên 300 triệu USD nhờ nắm cổ phiếu dài hạn thay vì chớp nhoáng “chốt lời – cắt lỗ”.

Giữa tháng 6, TS. Niwes Hemvachivarakorn – nhà đầu tư được ví von “Warren Buffett phiên bản Thái Lan” đến Việt Nam, dự hội nghị của nhà đầu tư giá trị vào thị trường Việt Nam (VVI). Bên lề hội nghị, nhân vật nằm trong danh sách 99 nhà đầu tư vĩ đại của tác giả Magnus Angenfelt có buổi trò chuyện cùng VnExpress.

Gần một thập kỷ sau lần đầu ghé thăm đất nước hình chữ S, ông Niwes gọi thị trường này là “mãnh hổ mới” ở khu vực ASEAN. Trong đó, đầu tư chứng khoán là kênh hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt khi Việt Nam có nền kinh tế ở mô hình Goldilocks – trạng thái tối ưu để tăng trưởng bền vững. Ông cũng nêu những nguyên tắc giúp ông nhân ba giá trị tài sản, phù hợp nhà đầu tư cá nhân bắt đầu học cách đặt lệnh.

Tiến sĩ Niwes Hemvachivarakorn tham quan các khu sầm uất nhất TP HCM sau hội nghị. Ảnh: Hoài Phương

Tiến sĩ Niwes Hemvachivarakorn tham quan các khu sầm uất nhất TP HCM sau hội nghị. Ảnh: Hoài Phương

Nhìn ra xu hướng thị trường

Khái niệm đầu tiên mà Tiến sĩ Niwes nhắc đến là Mega Trends – xu hướng lớn, tác động toàn thị trường.

Năm 1997, Thái Lan bước vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Từ công việc trong ngành tài chính với mức thưởng 6-10 tháng lương mỗi năm, ông Niwes trở thành người ba không: không nhà, không xe, không việc làm, ở độ tuổi 42.

Giữa tâm khủng hoảng, thị trường chứng khoán Thái Lan giảm 50% so với thế giới. Nhà đầu tư sinh năm 1953 lúc này nhìn thấy cơ hội: mua cổ phiếu với giá rẻ kinh ngạc – điều không thể có trong điều kiện bình thường. Biến khủng hoảng thành cơ hội, ông dùng tất cả tiền mặt dành dụm sau hai thập kỷ làm việc – 300.000 USD – để mua cổ phiếu. Một năm sau, thị trường phục hồi với tỷ lệ tăng trưởng trên 60%, mang lại cho danh mục đầu tư của ông mức lãi trên 140%. Đến năm 2016, tổng tài sản từ chứng khoán của ông tăng lên 100 triệu USD. Tính đến tháng 6 năm nay, con số này đạt 300 triệu USD.

Ngoài nắm bắt xu hướng để chọn thời điểm gia nhập, nhà đầu tư Thái Lan cho biết cần phân tích dòng chảy nhu cầu, đặt mục tiêu ở những ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng cao.

Thời điểm bắt đầu, Tiến sĩ Niwes nhận định trong bối cảnh tài chính khó khăn, nhiều người mất việc, các gia đình thắt chặt chi tiêu nên mặt hàng mì gói được tiêu thụ rất mạnh. Danh mục của ông lúc đó tập trung vào các công ty mì gói – sản phẩm bán chạy nhất. Khi nền kinh tế phục hồi, ông đánh giá nhu cầu tiêu dùng sẽ nở rộ. Tại Thái Lan, cứ 100 m là có một cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Vì vậy, ông gia tăng số lượng cổ phiếu công ty 7-Eleven trong danh mục của mình.

Ông Niwes cho biết, sau giai đoạn bùng nổ “như mơ”, khoảng 10 năm trước, thị trường chứng khoán Thái Lan có sự chững lại. “Các công ty lớn không thể mở rộng quy mô, dân số giảm. Nếu bạn đầu tư vào nền kinh tế không phát triển, bạn không thể có khoản lợi nhuận tốt. Vì vậy tôi quyết định tìm kiếm khắp ASEAN”, doanh nhân sinh năm 1953 phân tích.

Đó cũng là thời điểm Thái Lan mở cửa, cho phép mọi người đầu tư ra nước ngoài. Lúc này, “Warren Buffett của Thái Lan” chú ý đến thị trường Việt. Khi thấy có những doanh nghiệp trả cổ tức khá cao (khoảng 10% trở lên) so với Thái Lan, ông thay đổi chiến lược, đầu tư có chọn lọc hơn. Ông nhận định Việt Nam có nhiều nét tương đồng Thái Lan thời điểm nhà đầu tư này này bắt đầu hành trình trên thị trường khoán.

Ông đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn vàng với dân số lực lượng lao động trẻ dồi dào, khoảng 67,4% trong tổng số 100 triệu dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng, sức mua nội địa dần ấm lên. Bên cạnh đó, tiềm năng nhân lực của Việt Nam cũng rất tốt khi học sinh Việt Nam có điểm PISA cao thứ nhì khu vực ASEAN và Chính phủ đang chú trọng giáo dục STEM. Việt Nam cũng dần tăng vị thế trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế đang ở giai đoạn Goldilocks – trạng thái tối ưu cho trưởng bền vững, tức mức tăng không quá nóng dẫn đến lạm phát cũng không quá lạnh đến mức tạo ra cuộc suy thoái.

Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thị trường Việt có những ngành tiềm năng như công nghệ, hàng không, tiêu dùng, bán lẻ.

Với công nghệ cao, nhà đầu tư Niwes có niềm tin đây sẽ là ngành nghề thống lĩnh thế giới, tất cả sản phẩm đều được phát triển từ các công ty công nghệ cao này. Kế đến là hàng không – xu hướng di chuyển của tương lai. Khi thu nhập người dân tăng lên, họ sẵn sàng chi trả mức phí cao hơn để rút ngắn thời gian đi lại. Khoảng cách giữa các tỉnh, thành Việt Nam cũng khá xa, đòi hỏi việc di chuyển bằng hàng không.

Tiến sĩ Niwes. Ảnh: Hoài Phương

Tiến sĩ Niwes. Ảnh: Hoài Phương

Tìm ra người chiến thắng

Gần ba thập kỷ trước, 300.000 USD là khoản tài sản rất lớn, vì sao có đủ dũng khí đầu tư all in? Nhận câu hỏi, ông Niwes cười, nói rằng: nhìn vào công ty và chỉ all in khi biết đó là “người chiến thắng”.

Như năm 1997, công ty ông đầu tư chuyên sản xuất mì gói. Ông ước tính, chỉ riêng khoản cổ tức 10% mỗi năm cũng có thể đủ cho nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình – phương án đảm bảo lâu dài trong hoàn cảnh mất việc. Ngoài ra, doanh nghiệp này không có khoản nợ chết, thua lỗ.

Từ khoản cổ tức nhận về, ông tiếp tục đa dạng danh mục đầu tư. Rổ hàng của Tiến sĩ tài chính là những đơn vị tiềm lực tốt, không gặp phải cuộc khủng hoảng năm 1997, khoản nợ rất thấp, lợi nhuận cao. “Hội đủ những điều cần thiết là tôi đặt”, ông cười, nhớ lại. Và ba năm sau đó, khi nền kinh tế phục hồi, tất cả doanh nghiệp này đều tăng giá chóng mặt, quy mô từ công ty gia đình vươn lên thành tập đoàn đa quốc gia.

Quay lại với 7-Eleven, ông sở hữu mã cổ phiếu CPALL từ khi công ty ở quy mô trung bình. Nhưng nhận định rằng chúng sẽ là “người khổng lồ” trong tương lai, ông quyết định liên tục mua vào và CAPLL sau này trở thành nhóm chính yếu giúp ông tăng tài sản, lợi nhuận từ chứng khoán.

“Đầu tư vào công ty tốt nhất – những người chiến thắng”, ông khẳng định với âm sắc chậm rãi.

Tại thị trường Việt, công thức này áp dụng ra sao? Với xu hướng công nghệ, nhà đầu tư từ Thái Lan hiện sở hữu 6 triệu cổ phiếu FPT vì có niềm tin: Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc công nghệ trong 10 năm tới. Ông cũng mua nhiều cổ phiếu ACV (Tổng ty Cảng hàng không Việt Nam).

Ngoài ra, ông lựa chọn các công ty tiện ích, cơ sở hạ tầng. Triệu phú người Thái cũng nêu hai cái tên nổi bật là: Thế Giới Di Động – có tiềm năng thành vua bán lẻ và Masan – ông lớn trong ngành tiêu dùng.

Với nhà đầu tư cá nhân vừa tham gia thị trường, ông dành lời khuyên lựa chọn từ rổ VN Diamond – danh mục các cổ phiếu đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, với triển vọng tăng trưởng lớn.

Tiến sĩ Niwes trao đổi về tiềm năng đầu tư cùng đại diện Dragon Capital Việt Nam (trái), bên lề hội nghị. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Niwes trao đổi về tiềm năng đầu tư cùng đại diện Dragon Capital Việt Nam (trái), bên lề hội nghị. Ảnh: NVCC

Đừng mua với giá đắt đỏ

“Tôi sử dụng chiến lược Warren Buffett, mua cổ phiếu tốt nhất ở mức giá hợp lý và nắm giữ nó”, Tiến sĩ Niwes Hemvachivarakorn nói.

Theo ông, cổ phiếu đáng mua có chỉ số P/E cần ở mức 20 lần hoặc không quá 30. P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Chỉ số càng thấp thể hiện cổ phiếu đang được định giá thấp hơn giá trị thực của nó, đó là thời điểm đáng để rót tiền.

Như với cổ phiếu Masan hay Thế Giới Di Động, ông chỉ vào lệnh khi mức giá thị trường có sự điều chỉnh hợp lý. Hoặc thời điểm 10 năm trước khi vào thị trường Việt, gọi mình là “tay mơ”, Niwes chọn nhóm giá thấp để giữ tính ổn định cho khoản đầu tư.

Theo ông, năm 2014, chứng khoán Việt bắt đầu hồi phục từ đáy. Vì chưa nắm bắt thị trường, ông chọn đầu tư vào danh mục gồm những cổ phiếu nhỏ với chỉ số P/E thấp và có mức chi trả cổ tức cao. Qua hai năm “để không”, ông bất ngờ với khoản cổ tức thu về. Sau khoảng thời gian quan sát và nghiên cứu thị trường Việt, TS. Niwes mới bắt đầu mua cổ phiếu riêng lẻ có chất lượng tốt và mức giá hợp lý. Cùng thời gian này, khi các chứng chỉ ETF của Dragon Capital Việt Nam được phát hành ở Thái Lan theo dạng DR (Depositary Receipt) như E1VFVN30 (rổ VN30), FUEVFVND (rổ VN Diamond), ông tích cực kêu gọi nhà đầu tư cá nhân Thái Lan đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF này và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.

Đầu tư dài hạn, không “chốt lời – cắt lỗ”

“Đừng làm gì cả”, là lời khuyên ông Niwes nhấn mạnh nhiều lần.

Theo ông, sau các bước tìm thị trường, chọn lọc người chiến thắng, rổ hàng của bạn sẽ chỉ toàn những ông lớn, tiềm lực tốt. Nghĩa là nếu có biến động rớt giá trên thị trường chứng khoán, đó là cơ hội để mua thêm thay vì tâm lý bán “cắt lỗ”. Các biến động này thường đến từ nhiều nguyên nhân, khi khắc phục được mức giá sẽ tăng vọt. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối vì bán ở thời điểm giá về vùng đáy, khoản đầu tư lỗ đậm. Ngược lại, nếu giá tăng trưởng, thậm chí 30% hoặc 100%, triệu phú Thái Lan khuyên không được bán “chốt lời”. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, quy mô công ty nhân lên nhiều lần, giá trị mà nhà đầu tư nhận được sẽ vượt xa con số của việc “chốt lời – cắt lỗ”.

Ông Niwes có những khoản đầu tư dài hạn hơn 10 năm. Công ty từ quy mô tầm trung vươn lên thành đế chế bán lẻ. Ông đánh giá ở Việt Nam cũng có những công ty tiềm năng trở thành siêu cổ phiếu trên thị trường. Vì vậy nhà đầu tư hãy tìm kiếm và mua, theo dõi hoạt động mỗi quý thông qua báo cáo tài chính. Ngoài xem xét báo cáo, nhà đầu tư còn nên đi vào đời thực: bước vào cửa hàng, đến thăm sân bay…

Kết thúc buổi trò chuyện, Tiến sĩ tài chính tóm gọn những nguyên tắc theo ông suốt nhiều thập kỷ. Ông nhấn mạnh nếu không quá sành sõi thị trường, hãy mua nhóm nhóm VN Diamond hoặc chứng chỉ quỹ ETF DCVFMVN Diamond thay vì VN30 – vốn thiên lệch về ngành tài chính. Với nhà đầu tư kỳ vọng cao hơn, hãy mua siêu cổ phiếu dựa trên bức tranh xu hướng đa ngành, tìm ra người chiến thắng. Chọn được người chiến thắng, hãy cân nhắc giá cả. Cuối cùng, ông lặp lại nhiều lần: hãy đầu tư đều đặn và dài hạn, lợi nhuận thu về sẽ ở mức vượt quá kỳ vọng.

Thảo Nguyên


Nguồn tin: https://vnexpress.net/gu-dau-tu-khong-chot-loi-cat-lo-cua-warren-buffett-phien-ban-thai-lan-4759835.html