Chi tiết

GVR lên tiếng sau khi lãnh đạo bị khởi tố, giá cổ phiếu tiếp tục lùi sâu

GVR lên tiếng sau khi lãnh đạo bị khởi tố, giá cổ phiếu tiếp tục lùi sâu

HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HOSE: GVR) vừa có sự phân công lại nhiệm vụ giữa các thành viên sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố ông Trần Ngọc Thuận – cựu Thành viên HĐQT.


04 bị can (từ trái qua): Trần Ngọc Thuận; Nguyễn Thị Hồng; Võ Sỹ Lực; Trần Thoại. Ảnh: Bộ Công an

Theo GVR, Công ty đã nhận được đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Trần Ngọc Thuận vào ngày 20/06/2024 và đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên để thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm.

HĐQT GVR cũng đã phân công lại nhiệm vụ cho các thành viên còn lại để đảm bảo chỉ đạo, quản lý điều hành Tập đoàn được liên tục và thông suốt.

Ngày 17/07, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị có liên quan (trong đó có ông Trần Ngọc Thuận).

GVR cho biết sự việc xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015 và trước khi Tập đoàn chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Hiện Công ty đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Ngoài ông Trần Ngọc Thuận bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. 3 bị can còn lại gồm bà Nguyễn Thị Hồng – nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TPHCM – về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Võ Sỹ Lực – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và ông Trần Thoại – Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam – cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước khi bị bắt, ông Trần Ngọc Thuận (sinh năm 1960) từng giữ chức Chủ tịch HĐQT GVR từ năm 2018, giai đoạn Công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần, trước khi được miễn nhiệm để làm Thành viên HĐQT không điều hành vào đầu năm 2022. Người thay thế là Chủ tịch đương nhiệm ông Trần Công Kha.

Ông Thuận khởi đầu là kỹ sư xưởng cơ khí tại xí nghiệp cơ khí chế biến của Công ty Cao su Bình Long thuộc Tổng cục Cao su từ giữa những năm 80 thế kỷ trước. Ông lên chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (tiền thân của GVR) từ năm 2007; sau đó lên Tổng Giám đốc năm 2010 cho đến khi làm Chủ tịch năm 2018. Và một loạt chức vụ quan trọng khác ngoài phạm vi doanh nghiệp.


Ông Trần Ngọc Thuận khi còn làm Chủ tịch HĐQT GVR. Nguồn: GVR

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa rồi của GVR cũng đã bầu thêm ông Đỗ Hữu Phước và ông Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TPHCM vào làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026. Riêng ông Phong làm thành viên độc lập.

Phiên giao dịch 19/07, giá mỗi cổ phiếu GVR tiếp tục biến động mạnh khi giảm đến 4.3%, còn 34,500 đồng. Khối lượng giao dịch lên hơn 5 triệu cp. Còn thời điểm công bố của cơ quan điều tra cách đây 2 ngày, giá GVR “nằm sàn” 6.94% với hơn 10.7 triệu đơn vị được khớp lệnh, gấp đôi con số trung bình từ đầu năm.

Giai đoạn này hoạt động kinh doanh GVR hưởng lợi nhờ mủ cao su được giá. Cổ phiếu cũng có thời điểm tăng gấp đôi trong 6 tháng vừa qua, lên gần 40,000 đồng/cp.



Diễn biến giá cổ phiếu GVR từ đầu năm 2024

Cũng liên quan đến vụ án trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSEQCG) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

* Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai 

* Vụ án xảy ra tại GVR: Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

* Khởi tố cựu Tổng giám đốc GVR

Tử Kính

FILI



Source link