Theo đó, căn cứ Quy chế làm việc số 09-QC/TU ngày 22/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) và Quyết định số 7799-QĐ/TU ngày 14/11/2024 của Thành ủy về sửa đổi, bổ sung nội dung của Quy chế làm việc số 09-QC/TU ngày 22/6/2023; trên cơ sở kết quả lấy ý kiến bằng văn bản của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (khóa XVII) về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tại Báo cáo số 184-BC/BCSĐ ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất kết luận:
Với mục tiêu ưu tiên phát triển giao thông công cộng, sớm đưa mạng lưới giao thông đường sắt đô thị vào cuộc sống tại Thủ đô nhằm góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Đồng thời ,tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô là cần thiết.
Điều này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất về chủ trương đối với Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đề nghị của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố.
Trong đó, cần lưu ý một số nội dung về các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá; sự phù hợp với quy hoạch; công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cùng với đó là việc huy động nguồn vốn, sử dụng nguồn lực tài chính; khung quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp công nghệ; trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án đường sắt đô thị của Thủ đô.
Ban Chấp hành cũng giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (theo tổng hợp nội dung các ý kiến góp ý về Đồ án gửi kèm) để nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, báo cáo cấp có thẩm quyền bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ.
Trước đó vào tháng 7/2024, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND xem xét và cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc đã được xác định, thành phố đưa ra đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư, cụ thể như sau:
Giai đoạn 2024-2030, mục tiêu là hoàn thành thi công 96,8 km đường sắt đô thị, bao gồm các tuyến số 22, số 3, và số 5. Đồng thời, thành phố sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho 301 km, bao gồm các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Tổng nhu cầu vốn dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 14,602 tỷ USD.
Giai đoạn 2031-2035, thành phố dự kiến hoàn thành xây dựng 301 km đường sắt đô thị. Năng lực vận tải của mạng lưới sau năm 2030 sẽ đảm nhận khoảng 35-40% lượng hành khách công cộng. Tổng nhu cầu vốn trong giai đoạn này là 22,572 tỷ USD, nâng tổng nguồn vốn cần thiết đến năm 2035 lên khoảng 37,174 tỷ USD.
Giai đoạn 2036-2045, kế hoạch tập trung vào việc hoàn thành xây dựng thêm 200,7 km đường sắt đô thị, bao gồm các đoạn tuyến được điều chỉnh và bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung điều chỉnh. Tổng nhu cầu vốn dự kiến trong giai đoạn này là khoảng 18,252 tỷ USD.
Về phương án huy động vốn, UBND thành phố ước tính khả năng cân đối các nguồn vốn huy động được của Hà Nội đến năm 2035 là khoảng 28,560 tỷ USD. Như vậy, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn, giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035.
Sau năm 2035, Hà Nội dự kiến sẽ chủ động nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và kinh tế bền vững của Thủ đô.