Chi tiết

Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn FDI

Ảnh minh họa. Trọng Hiếu.

Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%.

Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 8,6%…

Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn FDI

Tính chung 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 95,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1%.

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng 40,1%. Cũng trong 10 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5.110 nghìn lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.521 nghìn lượt người, tăng 37,0%, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 1.589 nghìn lượt người, tăng 13,0%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng trên địa bàn đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%… Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng ước thực hiện 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện được 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,2% kế hoạch năm 2024.

Trong 10 tháng năm 2024, Hà Nội đã thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,28% so với tháng trước và tăng 2,20% so với cùng kỳ năm 2023. CPI bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Phấn đấu GRDP Hà Nội đạt 6,5 – 7%

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, mục tiêu của TP. Hà Nội phấn đấu ít nhất trong 10 năm liên tục, kinh tế Thủ đô có thể tăng trưởng trên 2 con số.

“Điều này sẽ góp phần quan trọng tạo dựng vị thế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Muốn hiện thực hoá được mục tiêu này, các sở, ngành cần có chung nhận thức và cùng hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, ông Quyền cho biết.

Trong những tháng cuối năm, TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5 – 7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5 – 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4 – 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.

14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội, như, duy trì 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%… 5 chỉ tiêu phát triển đô thị như, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100% và nông thôn đạt 95%; xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100% với cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động…

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, TP. Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm của khối kinh tế ngành. Trong đó, bảo đảm cân đối cung – cầu, kiểm soát tốt giá cả, thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Hà Nội cũng tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực: thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế mới…

Đến nay, TP. Hà Nội đã khởi công được 28/43 cụm công nghiệp; đã có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Khu công nghiệp Đông Anh và Khu công nghiệp Phụng Hiệp); Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập số 1054/QĐ-TTg ngày 29/9/2024 và 01 KCN (KCN Bắc Thường Tín) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.



Nguồn