Ngày 6/11, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức Hội nghị “Hanoi Digitech 2024 – Công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kép, phát triển bền vững”. Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển “Link to Grow”-Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024), diễn ra từ 6-8/11/2024.
Tiềm năng, cơ hội phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, với nhiều lợi thế đặc thù, Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao.
Thực tế, thời gian qua, mặcdù có nhiều khó khăn, nhưng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính riêng 10 tháng năm, Thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến Thành phố Hà Nội ước đạt 5.110 nghìn lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.“Với nhiều kết quả tích cực như vậy, cho thấy thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Lực khẳng định.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh phát triển bền vững. Ngoài ra, Thành phố Hà Nội cũng quan tâm đến các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển hơn nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng tho ông Lực, năm 2024 và những năm tới, Thành phố Hà Nội sẽtiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai cũng như các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối giao thương…
Cơ hội và thách thức
Để thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia cho rằng, chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các hoạt động của tổ chức, nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình làm việc.Trong giáo dục đại học, chuyển đổi số liên quan đến việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, học tập và quản lý.
Chuyển đổi số trong đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tăng cường tương tác, hỗ trợ học tập mọi lúc, mọi nơi, kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp, đồng thời cá nhân hóa quá trình học tập cho sinh viên…
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn thì, các yếu tố chính của chuyển đổi số là công nghệ thông tin (hạ tầng mạng, phần mềm quản lý, hệ thống bảo mật), con người (đào tạo và phát triển kỹ năng số cho giảng viên, sinh viên và quy trình (tối ưu hóa các quy trình hành chính và quản lý bằng công nghệ).
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, và tăng cường khả năng cạnh tranh của trường đại học trong thời đại số.
Tuy nhiên, để thành công, PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn bộc bạch: “Trường đại học cần cam kết đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho giảng viên và sinh viên và thiết lập lộ trình rõ ràng cho chuyển đổi số…”.
Đánh giá về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistic thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay rào cản của doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số là sợ rò rỉ dữ liệu, thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu thông tin và cơ sơ hạ tậng công nghệ số và các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.
“Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số”, bà Linh nêu rõ.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, bà Linh kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ữu đãi thuế và chính sách tài chính, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ (môi trường pháp lý linh hoạt, rút ngắn thời gian, giảm chị phí…).
Cùng với đó, phát triển hạ tầng công nghệ và an ninh mạng quốc gia như đầu tư vào hạ tầng số, cải thiện mạng lưới internet băng thông rộng, 5G và cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường an ninh mạng; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ; tăng cường nhận thức và hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi các nội dung về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số; Vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chuyển đổi số…