Chi tiết

Hạ tầng số định hình tương lai nhiều ngành nghề

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và những phương thức kinh doanh mới, bền vững, thích ứng trước những thách thức khó dự báo trước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030.

ong Nha
Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tại hội thảo Chuyển đổi số 2024: Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh: để đạt được các mục tiêu đầy thách thức trên, cần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả thông qua một trong những giải pháp có tính đột phá, nền tảng là phát triển nền tảng số. Điều này góp phần nâng cao tính sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu trong chuyển đổi số.

Đón đầu các cơ hội phát triển từ chuyển đổi số, kinh tế số, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều nội dung quan trọng. Đó là xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế hướng đến việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)…

Theo kế hoạch, Việt Nam thực hiện thương mại hoá mạng di động 5G vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: từ đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức cấp phép cho doanh nghiệp viễn thông thông qua đấu giá các băng tần 2600 MHz và 3500 MHz. Đây là minh chứng cho cam kết đầu tư của doanh nghiệp vào công nghệ 5G.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư hạ tầng, xây dựng hệ thống 5G tại những khu vực có dung lượng công nghệ 4G bị nghẽn hoặc không đáp ứng được, ở các khu công nghệ cao, nhà máy thông minh. Theo cam kết, muộn nhất đến tháng 4/2025, các doanh nghiệp chính thức cung cấp ra thị trường.

ba Rita
Bà Rita Mokble – Giám đốc Ericsson Việt Nam

Thông tin thêm về những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số và hoạt động của doanh nghiệp thông qua hạ tầng số, bà Rita Mokble – Giám đốc Ericsson Việt Nam đề cập đến sự phát triển nhanh của công nghệ 5G đang phổ biến trên thế giới với 1,9 tỷ thuê bao di động đã sử dụng công nghệ này, chiếm 22% thuê bao toàn cầu. Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2029, hơn 50% thuê bao di động sẽ sử dụng mạng 5G.

Công nghệ 5G, theo bà Rita Mokble cho phép chuyển tải lưu lượng tăng 10 lần, năng lượng sử dụng giảm 30%, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn, kết nối nhanh hơn. Mạng 5G riêng cho phép các doanh nghiệp viễn thông đổi mới sáng tạo, giảm chi phí, tăng doanh thu nhờ có khả năng tiếp cận nhiều hơn với phân khúc khách hàng mới. Đó là khách hàng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, logistic vốn là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ 5G.

“5G có tiềm năng trở thành nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hoá, nâng cao năng suất và tối ưu hoá quản lý tài nguyên. Ngoài ra, 5G đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tăg trưởng kinh tế” – bà Rita Mokble cho hay.

Nguồn