Chi tiết

Hải Phòng dừng phát hành trái phiếu vì ngân quỹ tồn đọng cao và giải ngân thấp

Tại kỳ họp thứ 19 (ngày 4/10/2024), HĐND TP. Hải Phòng khoá XVI đã thông qua nghị quyết dừng thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024. Lý do là việc đấu thầu phát hành sẽ khó thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng đăng ký dự thầu và nếu phát hành thành công thì việc giải ngân từ nguồn vốn này cũng khó thực hiện.

NGÂN QUỸ TỒN ĐỌNG LỚN

Trước đó, ngày 15/4/2024, HĐND TP. Hải Phòng ban hành nghị quyết số 19/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 tại thành phố Hải Phòng. Theo đó, khối lượng phát hành đạt 378,2 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất phát hành căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành, UBND thành phố quyết định lãi suất phát hành.

Sau khi UBND TP. Hải Phòng có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, ngày 22/7/2024, trong văn bản trả lời, Bộ Tài chính đề nghị Hải Phòng đánh giá tình hình tồn quỹ ngân sách địa phương, tình hình sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, dự báo tình hình thu chi ngân sách địa phương năm 2024 cũng như dự kiến tình hình giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Qua đó, đánh giá lý do, sự cần thiết phải phát hành trái phiếu chính quyền địa phương trong khi tồn quỹ của ngân sách thành phố còn lớn.

 

UBND TP. Hải Phòng đã kiểm tra, rà soát xác định tồn quỹ ngân sách địa phương của thành phố Hải Phòng tính đến thời điểm 29/7/2024 là hơn 31.412 tỷ đồng. Nguồn thu ngân sách cấp thành phố năm 2023 để thực hiện chi đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, số tiền là hơn 1.895,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính lưu ý Hải Phòng cần rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch giải ngân trong năm để bố trí cho các dự án có nhu cầu sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Trên cơ sở rà soát kế hoạch bố trí, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đề nghị UBND thành phố xem xét thời gian dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho phù hợp, bảo đảm không ứ đọng vốn.

Ngoài ra, Hải Phòng cần xác định phương thức phát hành trái phiếu để đảm bảo công khai, minh bạch cho việc huy động vốn vay của ngân sách địa phương.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, UBND TP. Hải Phòng đã kiểm tra, rà soát xác định tồn quỹ ngân sách địa phương của thành phố Hải Phòng tính đến thời điểm 29/7/2024 là hơn 31.412 tỷ đồng. Nguồn thu ngân sách cấp thành phố năm 2023 để thực hiện chi đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, số tiền là hơn 1.895,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tính đến 20/9/2024 mới được hơn 8.221,8 tỷ đồng, bằng 48,31% kế hoạch Thủ tướng giao, bằng 41,17% kế hoạch HĐND thành phố giao.

KHÓ THU HÚT TỔ CHỨC TÀI CHÍNH DỰ THẦU

Tại tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét phê duyệt dừng thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024, UBND TP. Hải Phòng cho rằng qua tham khảo Bộ Tài chính, hiện tại khung lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ thấp so với lãi suất huy động của một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Techcombank… chênh lệch khá cao (khoảng 2-3%).

Phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng năm 2024 dự kiến thực hiện đấu thầu theo quy định. Căn cứ tình hình giải ngân vốn đầu tư công của thành phố, tồn quỹ ngân sách, tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2024 và mức khung lãi suất theo tham khảo của Bộ Tài chính, UBND TP. Hải Phòng cho rằng việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 sẽ rất khó để các tổ chức tài chính, các ngân hàng đăng ký dự thầu.

Bên cạnh đó, nếu phát hành thành công trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 thì việc giải ngân từ nguồn vốn này khó thực hiện. Vì các lý do này, UBND TP. Hải Phòng đã trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết dừng thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024.

Theo nghị quyết dừng thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 tại thành phố Hải Phòng, HĐND thành phố giao UBND thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghị quyết theo quy định. Đồng thời, giao Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Source link