Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM – HDBank (mã: HDB) thông báo triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, nhà băng dự kiến phát hành 582,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận cổ tức là 20 cổ phiếu mới).
Nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy trong BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán độc lập sau khi trích lập các quỹ. Ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông để chia cổ tức là 12/12.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã: BID) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 3/12 phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022. Thời điểm thực hiện trong quý IV/2024 và quý I/2025.
Cụ thể, BIDV sẽ phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ 21% để tăng vốn điều lệ từ 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022.
“Anh cả” Vietcombank (mã: VCB) cũng vừa được Quốc hội chấp thuận chủ trương cho tăng vốn thêm 27.666 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Như vậy, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 2,77 tỷ đơn vị, tương đương với tỷ lệ 49,5%.
Vietcombank hiện là ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối lớn nhất hệ thống với 102.068 tỷ đồng tính đến cuối quý III, gần gấp đôi vốn điều lệ 55.890 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành mà Quốc hội vừa thông qua, nhà băng này sẽ trở lại là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, vượt qua VPBank và Tecombank.
Vào ngày 16/11, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam – LPBank (mã: LPB) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 29.873 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành khoảng 430 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 16,8% để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2023.
Tăng vốn là điều cần thiết
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định của các ngân hàng thương mại là 8%. Tuy nhiên, theo quyết định số 412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 31/3/3022 phê duyệt đề án cải cách xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHTM giai đoạn 2021 – 2025 là 11 – 12%, đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%.
Trong một báo cáo cập nhật ngành ngân hàng gần đây, Chứng khoán VPBank cho biết tính đến thời điểm 30/06/2024, mức CAR cao nhất ngành vẫn nằm ở các ngân hàng tư nhân vừa hoàn thành đợt tăng vốn lớn như VPBank, Tecombank, SeABank còn các ngân hàng có mức CAR thấp là các ngân hàng có tính chất nhà nước khi việc tăng vốn còn nhiều khó khăn trong thủ tục (VietinBank, BIDV, MBBank).
BIDV cho biết hệ số CAR riêng lẻ tại 31/12/2023 đạt 8,85%, đáp ứng mức tối thiểu của NHNN (>/= 8%), tuy nhiên để phấn đầu đạt hệ số CAR theo định hướng của Chính phủ và ngành ngân hàng thì cần tiếp tục tăng vốn tự có.
Tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank tại cuối 2023 là 9,3%. Nhà băng đã được NHNN và Bộ Tài chính cho phép dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại năm 2022 (11.000 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 21,4%. Đồng thời, ngân hàng cũng đang đề xuất cho phép dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại năm 2023 (9.000 tỷ đồng) để tăng vốn, tương đương tỷ lệ 16,8%.
Ngoài ra, cũng có trường hợp ngân hàng tư nhân Sacombank (mã: STB) là đang có tỷ lệ vốn thấp nhất, chỉ hơn quy định có 99 điểm phần trăm. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu, đã 9 năm nay duy trì vốn điều lệ ở mức 18.852 tỷ đồng. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT chia sẻ nhà băng đã cơ bản xử lý xong nợ xấu nhưng còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Ngân hàng đã trình NHNN cho phép bán đấu giá cuối năm nay. Giải quyết xong vấn đề này thì ngân hàng mới có thể chia cổ tức hay tăng vốn được.