Sáng 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ, thảo luận với các doanh nghiệp lớn về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tham gia các dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cũng như các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc qua các hành lang Lào Cai – Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Quảng Ninh – Hải Phòng. Thủ tướng khẳng định, nếu doanh nghiệp sẵn sàng, Chính phủ sẽ giao trọng trách sản xuất phần thép cho các dự án này.
Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Đình Long đã báo cáo tại cuộc họp về chương trình nghiên cứu phát triển thép dành cho đường ray đường sắt cao tốc. Ông Long cho biết Hòa Phát đã chuẩn bị và nghiên cứu trong 2-3 năm qua, đồng thời khẳng định việc sản xuất thép đường ray nằm trong khả năng của doanh nghiệp.
Ông Long nhấn mạnh: “Dây chuyền sản xuất tại Dung Quất của Hòa Phát hiện thuộc top kỹ thuật G7 châu Âu, hiện đại bậc nhất”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc sản xuất đường ray có những thách thức đặc thù, đặc biệt là khâu vận chuyển các thanh thép dài đến cả trăm mét.
Chủ tịch Hòa Phát giải thích thêm: “Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ 350km/h trên trục Bắc – Nam đồng nghĩa với việc thanh ray phải dài 100m. Việc vận chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn và một số quốc gia như Nhật Bản đã đặt nhà máy sản xuất ngay tại nơi thi công dự án. Nhưng chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng”.
Ngoài việc sản xuất thép đường ray, ông Long khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia vào nhiều hạng mục khác của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, không chỉ giới hạn ở thép làm đường ray.
Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD |
Việc tham gia vào dự án này không chỉ khẳng định vị thế của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép chất lượng cao mà còn mở ra tiềm năng kinh tế lớn. Việc trúng thầu cung cấp thép cho dự án giúp Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời góp phần vào việc phát triển hạ tầng chiến lược quốc gia.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Việc xây dựng tuyến đường sắt này không chỉ tăng cường kết nối các vùng miền và các cực tăng trưởng mà còn tạo ra động lực lan tỏa, mở rộng không gian phát triển kinh tế mới. Tuyến đường cũng góp phần vào việc tái cấu trúc các đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km với tốc độ vận chuyển lên đến 350 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến dao động trong 65-70 tỷ USD. Toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, khởi đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).