Chi tiết

“Hé lộ” lý do FED chỉ giảm 0,25% lãi suất

FED hạ lãi suất một cách thận trọng (investopedia)
FED giảm lãi suất một cách thận trọng (Ảnh investopedia)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất đồng USD vào thứ Tư với một phần tư điểm phần trăm (0,25%). Đây là lần giảm lãi suất thứ ba liên tiếp và đi kèm với giọng điệu thận trọng về các đợt cắt giảm tiếp theo trong những cuộc họp tới.

Cụ thể, lãi suất của FED đã giảm xuống mức 4,25% – 4,5%, tương đương của tháng 12/2022. Câu hỏi chính là Ngân hàng Trung ương này sẽ báo hiệu điều gì về ý định trong tương lai khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao hơn mục tiêu và tăng trưởng kinh tế Mỹ khá vững chắc.

Theo các nhà phân tích, khi đưa ra mức cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, FED đồng thời ra dấu hiệu có lẽ họ sẽ chỉ hạ lãi suất thêm 2 lần nữa xuống còn 3,9% vào cuối năm 2025. Sau đó, FED sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa vào năm 2026 và một lần nữa vào năm 2027. Về lâu dài, lãi suất duy trì ở mức 3%.

Theo FedWatch, nhiều cổ phiếu đã bị bán tháo mạnh sau thông báo của FED, với Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm hơn 1.100 điểm; Chỉ số S&P 500 hiện giảm 0,6%, DJIA mất 0,54% và Nasdaq Composite giảm 0,68%. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt. Điều đó cho thấy rằng thị trường không tin rằng FED sẽ có thể hạ lãi suất nhiều hơn nữa.

Goldman Sachs cho biết động thái điều chỉnh lãi suất lần này của FED ám chỉ tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn trong thời gian tới. Thậm chí, một thành viên của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) đồng thời là Chủ tịch FED chi nhánh Cleveland Beth Hammack không đồng tình với việc hạ lãi suất lần này.

Quan điểm về triển vọng kinh tế Mỹ đã thay đổi. Trong những năm tiếp theo, các quan chức FED dự kiến ​​tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại ở mức dự báo dài hạn là 1,8% so với 2,5-3% như hiện nay.

FED sẽ phải giải quyết tác động của chính sách tài khóa dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã chỉ ra các kế hoạch về thuế quan, cắt giảm thuế và ngăn chặn nhập cư. Tất cả đều có thể gây lạm phát và làm phức tạp thêm công việc của Ngân hàng Trung ương.

Những tín hiệu thận trọng của FED và kinh tế Mỹ cũng gián tiếp thừa nhận triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn rõ ràng. Đồng đô la Mỹ quá đắt đỏ là rào cản không nhỏ với thương mại toàn cầu, gánh nặng cho nhiều quốc gia vay nợ bằng đồng tiền này.

Lãi suất cao dài hạn ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư toàn cầu (ASL)
Lãi suất cao dài hạn ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư toàn cầu (ASL)

Lãi suất cao trực tiếp làm giảm dòng vốn đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi. Gần đây nhất, xu hướng tăng giá đô la Mỹ so với những đồng tiền khác dần dần được coi là đại diện cho rủi ro của các nhà đầu tư dựa trên “đồng bạc xanh”.

Ngoài ra, tính chất “địa chính trị” của đô la Mỹ cũng là nguyên nhân khiến FED neo lãi suất ở mức cao. Về lý thuyết, nếu lãi suất cao, nhiều quốc gia càng bị gắn chặt với Mỹ. Bởi vì đây là đồng tiền dự trữ, giao dịch, vay nợ phổ biến nhất trên thế giới.

Lãi suất cao khá tương thích với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Hạn chế đầu tư ra bên ngoài, kêu gọi doanh nghiệp Mỹ hồi hương, thông qua những khoản vay từ IMF, WB sẽ khiến nhiều quốc gia khó tách khỏi tầm ảnh hưởng của Washington.

Nguồn