Chi tiết

Hoà Phát rót hơn 52.000 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2

Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2. Ảnh: Hòa Phát.

Theo BCTC quý III/2024 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 đạt hơn 52.493 tỷ đồng (chiếm hơn 1/4 tổng tài sản tập đoàn), tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với cuối quý II/2024, và tăng 132% so với số đầu năm.

Dự án Khu liên hợp Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tập đoàn Hòa Phát dự kiến mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 đạt mức tối đa, qua đó nâng tổng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết:”Cuối năm 2025 sẽ hoàn thành dự án Dung Quất 2.1, tức lò cao sản xuất 2,5 triệu tấn. Đến tháng 9/2026 sẽ hoàn thành Khu liên hợp Dung Quất 2 (nhanh hơn so với tiến độ kế hoạch là 3 tháng). Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì Tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC, qua đó nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (khoảng 600 USD/tấn), doanh thu Tập đoàn dự kiến tăng thêm 70.000 tỷ đồng”.

Tập trung vào dự án trọng điểm Dung Quất 2, Tập đoàn Hòa Phát cũng đẩy mạnh vay nợ. Tại thời điểm 30/9/2024, tổng nợ vay của Tập đoàn là 99.607 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với số đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn/dài hạn 78.697 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ vay tăng trong kỳ chủ yếu do Hòa Phát vay nợ tài chính dài hạn 24.517 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đây cũng là mức dư nợ vay dài hạn cao nhất từ trước đến nay của Tập đoàn.

Đáng chú ý, BCTC quý III/2024 cũng ghi nhận Hòa Phát giảm mạnh tiền mặt nắm giữ. Tại thời điểm cuối quý III/2024, tiền và tương đương tiền của Tập đoàn là 8.500 tỷ đồng, giảm 30,6% so với số đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn 16.387 tỷ đồng, cũng giảm hơn 26%.

Về KQKD, Hòa Phát gây ấn tượng với doanh thu đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao quý 3 đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước (1,27 triệu tấn). Thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%. Thép cuộn cán nóng đạt 738.000 tấn, tương đương quý II/2024.

Trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng Tập đoàn Hòa Phát đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, và giảm gần 9% so với quý II/2024. Như vậy, sau khi về đáy trong giai đoạn quý III – quý IV/2022, lợi nhuận của Tập đoàn đã liên tục hồi phục từ quý I/2023 đến quý III/2024.

Xét lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105 nghìn tỷ đồng doanh thu, tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm.



Nguồn