Hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi, SBBS có lãi hơn 5.5 tỷ đồng trong quý 2
CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) công bố BCTC quý 2/2024 với các mảng kinh doanh cốt lõi chưa mấy khả quan, nhưng việc hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 8.8 tỷ đồng lại giúp Công ty chuyển lỗ thành lãi hơn 5.5 tỷ đồng.
Trong quý 2/2024, SBSS chỉ mang về hơn 1.1 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay, phải thu.
Tình trạng doanh thu không đủ bù chi phí tại các hoạt động cốt lõi tiếp tục diễn ra, khi chi phí hoạt động lên đến 1.8 tỷ đồng, dù đã giảm 7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, SBBS lại ghi âm hơn 6.1 tỷ đồng chi phí quản lý, nhờ hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 8.8 tỷ đồng. Điều này giúp SBBS chuyển sang có lãi sau thuế hơn 5.5 tỷ đồng, thay vì phải chịu lỗ 134 triệu đồng như cùng kỳ.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của SBBS
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Công ty lãi sau thuế gần 3.3 tỷ đồng, thay vì chịu lỗ gần 3.6 tỷ đồng như 6 tháng đầu năm trước. Qua đó, thu hẹp tổng số lỗ lũy kế đến ngày 30/06/2024 còn hơn 266 tỷ đồng.
Nhìn chung, con số lãi gần 3.3 tỷ đồng mang đến những “làn gió” tích cực cho bức tranh kinh doanh của SBBS, đặc biệt hơn khi đã vượt xa mục tiêu lãi gần 356 triệu đồng đề ra cho cả năm 2024.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của SBBS
Triệu đồng
Nguồn: SBBS, người viết tổng hợp
|
Tổng tài sản của SBBS tại ngày 30/06/2024 gần 46 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay margin gần 16 tỷ đồng.
Bảng cân đối của Công ty đáng chú ý với giá trị các khoản phải thu gần 192 tỷ đồng, phải trích dự phòng gần toàn bộ. So với thời điểm đầu năm, phần dự phòng này giảm gần 8.8 tỷ đồng, tương ứng giá trị đã hoàn nhập ghi nhận trong chi phí quản lý doanh nghiệp nêu trên.
Theo tìm hiểu, SBSS phải thu chủ yếu đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như, liên quan đến vụ án đã diễn ra từ năm 2011, tổng số tiền 210 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thu hồi được hơn 18 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của SBBS
|
Với vụ án này, SBBS đã tiến hành nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Tòa án Nhân dân tối cao để yêu cầu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có trách nhiệm bồi thường 210 tỷ đồng cùng tiền lãi.
Vụ án Huyền Như cũng khiến một công ty chứng khoán khác phải “ôm nợ” là Chứng khoán Phương Đông (ORS). Sau này khi Công ty tái cấu trúc thành Chứng khoán Tiên Phong, khoản nợ 379 tỷ đồng đã được xóa.