Ngày 24/10, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HoSE: SAB) đã thông báo Nghị quyết HĐQT về phương án chào mua công khai cổ phiếu SBB.
Cụ thể, HĐQT SAB đã thông qua phương án chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco), với giá chào mua 22.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện từ ngày 31/10 đến ngày 25/12/2024.
Nếu giao dịch thành công, Sabeco sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco lên đến 65,9%, trở thành công ty mẹ của Bia Sài Gòn Bình Tây.
Sabeco cũng cho biết có thể tăng giá chào mua (nếu cần) để đảm bảo lợi ích của công ty. Đồng thời, SAB đưa ra các điều kiện hủy bỏ đợt chào mua, như nếu số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỷ lệ tối thiểu 28,7% hoặc nếu SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Nguồn vốn thực hiện chào mua là 832 tỷ đồng, đến từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác của Sabeco.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán FPT (FTS), Sabeco hiện có quy mô sản xuất bia lớn thứ hai tại Việt Nam với công suất thiết kế đạt 2,4 tỷ lít/năm, nhỏ hơn Heineken với 2,78 tỷ lít/năm từ 6 nhà máy. Doanh nghiệp VN30 này sở hữu 26 nhà máy sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam.
Sabeco sắp vượt Heineken về quy mô sản xuất |
Như vậy, nếu thành công sáp nhập Sabibeco, SAB có thể nâng tổng công suất thiết kế lên trên mức 3 tỷ lít/năm, qua đó vượt mặt đối thủ Heineken.
Sabeco học cách “khiêu vũ trong cơn mưa”
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, ông Lester Tan Teck Chuan – Tổng Giám đốc SAB từng chia sẻ: “Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, thay vào đó hãy có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa”.
Tổng Giám đốc Sabeco nhận định, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chưa như kỳ vọng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tiếp tục là một sức ép đến các doanh nghiệp ngành bia.
Dự thảo lộ trình tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm bia 2026-2030 |
Theo lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2026 – 2030, giá bán lẻ bia có thể tăng ít nhất 2-3%/năm đến năm 2030, gây thêm sức ép tiêu thụ bia. Vietcombank Securities ước tính việc tăng thuế TTĐB hàng năm đối với bia có thể làm giảm khoảng 0,7-1%/năm trong sản lượng tiêu thụ bia.
Để cải thiện tình trạng này, trong vài năm gần đây, Sabeco đã cho ra mắt dòng sản phẩm Saigon Soju, cạnh tranh trực tiếp với Tiger Soju, là dòng bia có nồng độ cồn thấp (
Đối thủ lớn nhất của SAB là Heineken cũng đang có xu hướng giảm dần nồng độ cồn và tăng hương vị mới trong sản phẩm của mình với dòng bia Larue Smooth (2022) hay dòng sản phẩm Tiger Platinum hương vỏ cam (2021).
Vietcombank Securities cho rằng công ty sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm mới dễ uống trong phân khúc trung cấp thay vì gia tăng chi tiêu quảng cáo và khuyến mại. Qua đó, VCBS kỳ vọng SAB sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu ở mức 11,5% – 12% cho 1-2 năm tới cho tới khi cần phát triển nhãn hàng mới.
Sagota – sản phẩm bia của SBB |
Ngoài ra, nếu sát nhập Bia Sài Gòn Bình Tây thành công, Sabeco sẽ bổ sung thêm nhãn bia Sagota vào danh mục sản phẩm phân khúc phổ thông của mình.
>> Khoản cho vay 430 tỷ đồng của Sabeco (SAB) ‘cứu nguy’ dòng tiền tại doanh nghiệp 72 tuổi