Các ngân hàng trung ương trên thế giới tin rằng dự trữ vàng chính thức trên toàn cầu sẽ tăng trong thời gian 1 năm tới, trong khi mối bi quan về đồng USD tăng lên – theo một báo cáo vừa được Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố.
Trong một cuộc khảo sát do tổ chức này thực hiện, hơn 4/5 số nhà quản lý dự trữ ngoại hối tại các ngân hàng trung ương được hỏi cho biết họ có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong tương lai. Đây là tỷ lệ đưa ra câu trả lời như vậy cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát thường niên này bắt đầu được thực hiện. Gần 30% các nhà quản lý dự trữ ngoại hối cho biết có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong vòng 1 năm tới, bao gồm 13% ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển.
Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi duy trì quan điểm tích cực về tương lai của vàng trong dự trữ ngoại hối. Tỷ lệ ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển có quan điểm tương tự trong lần khảo sát này là 57%, tăng từ mức 38% vào năm 2023.
Cùng với đó, ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển đưa ra quan điểm bi quan hơn về triển vọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, với 56% dự báo tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm từ mức 46% của 1 năm trước. Gần 2/3 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế đang phát triển đưa ra quan điểm tương tự.
Những nhân tố lớn mà các ngân hàng trung ương đưa ra để lý giải cho việc họ có ý định tăng nắm giữ vàng bao gồm để giảm bớt rủi ro, đề phòng bất định về chính trị và kinh tế toàn cầu, và tận dụng lợi thế giá trị dài hạn của vàng, khả năng tăng giá vàng mỗi khi xảy ra khủng hoảng, cũng như vai trò của vàng về đa dạng hoá danh mục đầu tư – theo báo cáo.
“Sức ép thị trường ở mức độ lớn, bấp bênh kinh tế chưa từng có tiền lệ và bất ổn chính trị trên thế giới đã đưa vàng trở thành một tài sản được các ngân hàng trung ương quan tâm đặc biệt”, ông Shaokai Fan – trưởng bộ phận ngân hàng trung ương và Giám đốc WGC khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nhận định.
Trong khi đó, đồng USD có chiều hướng suy giảm sức hấp dẫn vì đồng tiền này có khả năng được “vũ khí hoá” thành một cách trừng phạt nhằm vào các quốc gia có quan hệ xấu với Mỹ, điển hình là việc Mỹ và đồng minh đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022. Những mối lo ở Mỹ liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng là một nguồn áp lực mất giá đối với đồng USD, khiến một số ngân hàng trung ương muốn giảm bớt dự trữ bằng đồng tiền này.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua mạnh vàng trong 2 năm qua. Năm 2023, lực lượng này mua ròng 1.037 tấn vàng, đánh dấu năm mua ròng vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, sau khi mua ròng kỷ lục 1.082 tấn vàng trong năm 2022. Quan điểm tích cực về vàng duy trì dù giá vàng liên tục lập kỷ lục trong năm nay, với kỷ lục hiện tại của giá vàng giao là 2.250 USD/oz.
“Những yếu tố ảnh hưởng như giá cả có thể tạm thời làm chậm lại việc các ngân hàng trung ương mua vàng trong ngắn hạn, nhưng xu hướng lớn vẫn duy trì, vì các nhà quản lý ngoại hối nhận thức được vai trò của vàng là một tài sản chiến lược trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều bất định”, ông Fan nói.
Trong một cuộc trao đổi với trang Kitco News, chiến lược gia John LaForge của ngân hàng Wells Fargo cũng cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục mua ròng vàng.
“Nợ của các chính phủ đang tăng lên trên toàn cầu chứ không riêng gì ở Mỹ. Đó là một lý do vì sao nhiều ngân hàng trung ương đang quay sang mua vàng”, ông LaForge nhận định, và nói thêm rằng ông không hề nhận thấy có bất kỳ sự lưỡng lự nào ở các ngân hàng trung ương đối với việc mua vàng. Ông cũng cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng vì siêu chu kỳ hàng hoá cơ bản mới bắt đầu này vẫn còn nhiều năm nữa mới kết thúc.
Theo vị chiến lược gia, trong môi trường toàn cầu hiện nay, các quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hoá dự trữ bằng cách mua vàng để bảo toàn tài sản và sức mua vì giá hàng hoá cơ bản tăng sẽ khiến áp lực lạm phát dai dẳng ở mức cao.
“Chừng nào nợ nần còn là một vấn đề, vàng sẽ tiếp tục là một lựa chọn được cân nhắc”, ông LaForge nói.