Chi tiết

Hơn 2,1 triệu tỷ đồng tín dụng được ‘bơm’ vào nền kinh tế năm 2024

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú điều hành họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: SBV

Chiều 7/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thông tin về hoạt động ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%, tương đương hơn 2,1 triệu tỷ đã được bơm vào nền kinh tế, tổng tín dụng lưu hành hiện nay đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Tỷ giá USD đến cuối năm 2024 biến động khoảng 5,03% – diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Trong điều hành lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.. Theo đó, lãi suất huy động đến cuối năm tăng 0,71 điểm %, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59 điểm % so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay tại các NHTM đã giảm trung bình gần 1 điểm %.

Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thống đốc cho rằng, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Về hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2024 hệ thống đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém là OceanBank và CBBank về MB và Vietcombank. Hai ngân hàng 0 đồng còn lại, NHNN đang trình phương án tái cơ cấu lên Chính phủ và kỳ vọng trước tết âm lịch sẽ xong.

Riêng SCB, NHNN tiếp tục các biện pháp duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo các khoản tiền gửi, xử lý tồn tại, yếu kém, vi phạm trước đây trên nguyên tắc đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời, xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực sớm nhất có thể để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chia sẻ về định hướng chính sách tiền tệ năm 2025, đại diện NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT;

Theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;

Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

“Trong năm 2025, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Tuy nhiên, con số 16% chỉ là mang tính định hướng trong điều hành chứ không phải là con số pháp lệnh, mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo giá trị tiền đồng”, Phó Thống đốc nói.

Cùng với đó, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch;

Tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động TTKDTM (Nghị định 52).



Nguồn