Tính trên số tiền Hội đồng xét xử yêu cầu nhóm ông Trịnh Văn Quyết bồi thường cho gần 28.000 nhà đầu tư Faros đã có đơn, mỗi nhà đầu tư có thể nhận trung bình hơn 64 triệu đồng.
Tại phiên xét xử vụ án ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 đồng phạm ngày 5/8, Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ phiếu ROS, khiến mã bị huỷ niêm yết bắt buộc qua đó ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, các bị cáo cần chịu trách nhiệm về hành vi này.
3.102 tỷ đồng là số vốn khống được nhóm ông Trịnh Văn Quyết “bơm thổi” vào FLC Faros |
Được biết, trong số hơn 63.000 nhà đầu tư (không bao gồm bị cáo) đang sở hữu cổ phiếu ROS, có hơn 27.800 nhà đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu thông qua hàng triệu tài khoản trên thị trường khiến việc xác định nhà đầu tư mua cổ phiếu của ai, thời điểm nào là việc làm bất khả kháng.
Bên cạnh đó, giá trị cổ phiếu còn ảnh hưởng bởi các yếu tố từ thị trường, tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, Công ty FLC Faros vẫn đang có giá trị lưu hành nên không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra mua cổ phiếu.
Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng chỉ có thể buộc các bị cáo có liên quan bồi thường phần bị nâng khống trên mỗi cổ phiếu.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thông tin thêm, Faros đã có thêm hai lần tăng vốn (lần 6 và 7), qua đó nâng số vốn điều lệ (cuối cùng) lên mức 5.675 tỷ đồng. Cả hai lần tăng vốn này đều nhằm mục đích chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, là hệ quả tiếp theo của 5 lần nâng khống vốn trước đó.
Do số tiền tăng vốn lần 6 và 7 không được tính là nâng khống nên trong số 5.675 tỷ đồng vốn điều lệ ghi nhận, cơ quan điều tra xác định số này bao gồm 2.573 tỷ đồng vốn thật và 3.102 tỷ đồng vốn khống. Với tỷ lệ vốn khống trên tổng vốn điều lệ là 54,66%, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền tương đương 5.466 đồng/cổ phiếu (tính theo mệnh giá 10.000 đồng).
Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết đề nghị ghi nhận toàn bộ trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại và người liên quan, Hội đồng xét xử yêu cầu ông Quyết và bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột ông Quyết) liên đới bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt.
Bên cạnh việc bồi thường cho số ít nhà đầu tư F0 mua cổ phiếu ROS từ đợt phát hành đầu tiên (hiện vẫn còn nắm giữ), các bị cáo phải bồi thường cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (là hơn 27.800 nhà đầu tư có yêu cầu bồi thường) với tổng số tiền hơn 1.783 tỷ đồng (trung bình mỗi người được bồi thường hơn 64,1 triệu đồng).
Trong khi đó, những người chưa có đơn yêu cầu bồi thường trong số hơn 63.000 nhà đầu tư Faros vẫn được quyền yêu cầu.
Trong khi đó, các bị cáo khác giữ vai trò thấp hơn, không hưởng lợi mà làm theo chỉ đạo của hai anh em ông Quyết, đã nộp lại tiền hoặc cổ phiếu được chia và tài sản đang bị phong tỏa thi hành án nên không bị buộc bồi thường.