Chi tiết

Hơn 6,3 triệu tấn HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát

Hơn 6,3 triệu tấn HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát
Ảnh minh họa

Theo dữ liệu hải quan, trong tháng 9/2024, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn – tăng 34% so với tháng trước và vượt 220% sản lượng sản xuất trong nước (568.000 tấn).

Tổng lượng HRC nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt gần 8,8 triệu tấn – tăng 26% so với cùng kỳ và cao hơn đáng kể so với sản lượng nội địa. Trong số này, 72% lượng thép nhập khẩu đến từ Trung Quốc (tương đương 6,3 triệu tấn) với mức giá thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD/tấn. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn đang dư thừa thép và buộc phải xuất khẩu với giá thấp để giảm bớt hàng tồn kho.

Việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng vẫn gia tăng bất chấp cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Công Thương từ tháng 7/2024 đối với sản phẩm HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù cuộc điều tra có thể dẫn tới việc áp dụng thuế chống bán phá giá nhưng quyết định này còn tùy thuộc vào kết luận cuối cùng.



Việc nhập khẩu HRC ồ ạt từ Trung Quốc đã và đang tạo áp lực đáng kể lên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG).

Hòa Phát, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, hiện cũng đang gặp phải thách thức lớn khi giá bán HRC từ Trung Quốc liên tục duy trì mức thấp. Điều này khiến sản phẩm HRC của Hòa Phát gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, nếu Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, điều này sẽ giúp Hòa Phát tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa, giảm bớt áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời củng cố vị thế trong ngành thép Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Hoa Sen (Mã HSG) kỳ vọng được nhập HRC giá rẻ khi đây là nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng tôn mạ. Dù vậy, doanh nghiệp cũng đang gặp vấn đề với hàng nghìn tỷ đồng tồn kho giá cao trong khi giá thép đang giao dịch ở mức thấp hơn.

>> Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ vào thời điểm dự án 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát vận hành?



Source link