Chi tiết

HSBC: Việt Nam cần hơn 12 tỷ USD đầu tư hạ tầng ôtô điện

Ước tính cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư đủ trạm sạc giúp ôtô điện phổ biến ở Việt Nam, theo Ngân hàng HSBC.

Báo cáo “Vietnam At A Glance: Câu chuyện xe điện” của Ngân hàng HSBC đánh giá thị trường ôtô điện Việt Nam có tiềm năng lớn chưa được khai phá, xét bối cảnh hơn 60% người dân sở hữu xe máy, ôtô là 5,7%.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng dự đoán sẽ có 3,5 triệu ôtô điện lăn bánh trên đường vào 2040.

Tuy nhiên, HSBC đánh giá các nhà sản xuất sẽ gặp thách thức khi muốn phổ biến ôtô điện, bởi người dùng có tâm lý chần chừ khi độ phủ trạm sạc chưa nhiều, pin và giá xe cao.

Vì vậy, ngân hàng này cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là chìa khóa để ôtô điện phát triển. HSBC ước tính, Việt Nam cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư và 14tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024-2040, để có đủ trạm sạc và công suất phát điện tái tạo cho xe điện.

Hiện, cả nước có gần 150.000 cổng sạc xe điện, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, các trạm bố trí chủ yếu tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu.

Trạm sạc trên các tuyến cao tốc rất hạn chế. Vì vậy, việc tăng đầu tư trạm sạc tại khu vực này sẽ giúp người dùng yên tâm hơn khi chọn xe điện là phương tiện di chuyển chính.

Mộ trạm sạc cho ôtô điện ở cây xăng tại Hải Phòng. Ảnh:Anh Minh

Mộ trạm sạc cho ôtô điện ở cây xăng tại Hải Phòng. Ảnh:Anh Minh

Bên cạnh hạ tầng, trở ngại về giá có thể được giải quyết thông qua chính sách về thuế và trợ cấp cho người mua. Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu, miễn lệ phí trước bạ cho người mua xe và thuế thu nhập doanh nghiệp với các dự án đầu tư vào loại xe này.

Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất chính sách trợ cấp 1.000 USD cho mỗi người mua ôtô điện, nhưng Bộ Tài chính phản đối. Để so sánh, trong khu vực, Thái Lan trợ cấp lên đến 2.900 USD, Indonesia trợ giá 25-50% cho 36.000 xe điện chở khách vào 2023.

Ngoài ra, hệ sinh thái lĩnh vực này có thể được củng cố bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm nhiều thứ hai thế giới và hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung ứng, theo HSBC.

Đã có một số chuyển động. Công ty mẹ của VinFast hợp tác với Gotion High-Tech (Trung Quốc) phát triển một số loại pin LFP (Lithium sắt phốt phát) và xây dựng 2 nhà máy pin ở Hà Tĩnh, dự kiến hoạt động vào quý III.

Đầu tháng 4, Chery Automobile tuyên bố xây dựng nhà máy xe điện 800 triệu USD thông qua liên danh với Geleximco. Nhà máy tại Thái Bình có công suất dự kiến 200.000 xe mỗi năm sau khi hoàn thành vào quý I/2026.

“Nếu tận dụng các mối quan hệ hợp tác và vượt qua rào cản phổ biến xe điện, Việt Nam có tiềm năng để tăng tốc trong cuộc đua xanh hóa phương tiện giao thông”, nghiên cứu của HSBC nhận định.

Trong khi ôtô còn nhiều thách thức, thị trường xe máy điện dự báo thuận lợi hơn do giá vừa tầm và tỷ lệ nội địa hóa cao. Người Việt cũng quen thuộc với xe máy, khi cứ 30 xe mới có một ôtô. Nhưng HSBC dự báo doanh số bán loại này sẽ đi ngang vào 2030 khi thị trường bão hòa.

Trong quá trình điện hóa xe hai bánh, thị phần của các doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ giảm vì bị thay thế bởi nhà sản xuất nội địa. Hiện, các sản sản xuất xe máy điện trong nước có thể kể đến, như VinFast, Selex Motors và Dat Bike.

Tổng cộng, doanh số xe điện Việt Nam (xe máy và ôtô) dự báo sẽ đạt 2,5 triệu chiếc vào 2036, tăng hơn hai lần hiện nay, theo HSBC.

Viễn Thông


Nguồn tin: https://vnexpress.net/hsbc-viet-nam-can-hon-12-ty-usd-dau-tu-ha-tang-oto-dien-4744063.html