Việt Nam “trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN” với GDP năm nay dự báo tăng 7%, mức cao nhất khu vực, theo HSBC.
Nhận định được nêu trong đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 2024 do HSBC Việt Nam phát hành sáng 20/12. Theo nhóm chuyên gia từ nhà băng này, sau quý I khởi đầu khó khăn, bức tranh kinh tế đa phần tích cực hơn qua các tháng. Bất chấp bão Yagi, phục hồi tăng tốc nửa cuối năm, dẫn dắt bởi sản xuất.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023, hỗ trợ xuất khẩu đi lên ở mức hai chữ số, đạt 14,4%. Điều đáng khích lệ là thương mại ban đầu tích cực ở ngành điện tử rồi dần mở rộng, như xuất khẩu dệt may – giày dép tăng 16,7% trong quý III. “Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ”, nhóm chuyên gia nhận định.
Thu hút dòng vốn nước ngoài cơ bản vẫn tích cực. Vốn FDI thực hiện 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.
Sau khi GDP bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III, HSBC cho rằng tăng trưởng 2024 của Việt Nam sẽ đạt 7%, mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Như vậy, năm nay nhiều khả năng Việt Nam sẽ “trở lại như một ngôi sao tăng trưởng”, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái.
Năm sau, nhà băng này dự báo GDP Việt Nam tăng 6,5%, tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Trong khi, mục tiêu tăng trưởng vào 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Theo nhóm chuyên gia, vẫn có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu thuận lợi.
Dẫu vậy, HSBC cảnh báo một số rủi ro cho năm sau. Nhu cầu hàng hóa cải thiện đến đâu sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi, vì thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng các thị trường này.
Còn quá sớm để đánh giá tác động cụ thể từ những chính sách của chính quyền ông Trump. Tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau, theo nhóm chuyên gia.
Với ý định áp thuế phổ quát 10-20% lên tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ của ông Trump, các nhà xuất khẩu một số mặt hàng trong nước có thể gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan thực thi.
Ví dụ, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam đến Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%. Châu Âu là thị trường lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng khó hấp thụ hoàn toàn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua việc sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, tỷ giá có thể tái diễn là vấn đề đáng lưu tâm. Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” tháng 12/2020, trước khi được xóa khỏi danh sách vào tháng 4/2021. Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ, tức cần theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại.
Diễn biến của USD cũng là yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới. Với phục hồi chưa đồng đều và mục tiêu tăng trưởng năm sau cao, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối 2025.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hsbc-viet-nam-la-ngoi-sao-tang-truong-dong-nam-a-4829972.html