Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) hiện đang có 136 dự án FDI với tổng mức đầu tư 4,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2024, địa phương này có 45 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt hơn 604 triệu USD. Năm 2024, một loạt dự án FDI tại Huế đã đi vào hoạt động như nhà máy điện rác Phú Sơn, nhà máy Kanglongda Huế, Trung tâm thương mại AEON MALL Huế. Những dự án này sau khi đi vào hoạt động không chỉ tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn là vừa thu hút, vừa níu chân người lao động.
Các doanh nghiệp FDI không chỉ làm thay đổi cán cân của nền kinh tế, còn là động lực cho sự phát triển của địa phương này.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Huế cho biết, khu vực FDI đang đóng góp 10% GRDP cho địa phương mỗi năm và dự kiến khối này cũng đóng góp khoảng 850 triệu USD vào ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2016 – 2020.
Năm 2024, các doanh nghiệp FDI tại Huế đạt doanh thu gần 1,6 tỷ USD, nộp ngân sách ước đạt 4.460 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 35% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Tạo mối liên kết, hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI
Khi các dòng vốn đầu tư không ổn định, các nguồn vốn vay từ WB hay vốn vay ODA gặp khó vì nhiều lý do khác nhau, thì dòng vốn FDI càng khẳng định vai trò của mình với nền kinh tế.
Các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… được tổ chức thường xuyên đã mở ra kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Đây là cơ hội để Việt Nam, cũng như Huế tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp FDI đang là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, trong chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của Huế rất chú trọng kêu gọi đầu tư FDI.
Huế đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và cơ sở đào tạo trong sử dụng lao động, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khi đến Huế đầu tư.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương vẫn đang duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,…
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Huế luôn đồng hành, lắng nghe và kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Theo cơ sở định hướng đó, Huế đã phát huy hiệu quả của 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo. Với các dự án ngoài ngân sách, tổ công tác cũng giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách hỗ trợ từng dự án trong tháo gỡ các khó khăn liên quan, thu hút thêm nhiều “con sếu đầu đàn”.