Chi tiết

Hướng phát triển thị trường trái phiếu

trao phieu
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024. Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Chính phủ và Bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản dưới Luật để thị trường được triển khai nhanh các quy định pháp lý mới theo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Quá trình phát triển

Trong giai đoạn 2015 – 2022, tổng lượng vốn huy động từ thị trường chứng khoán liên tục tăng, đặc biệt là huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay, COVID-19, cùng với việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Sự biến động lớn trong giá trị phát hành TPDN phản ánh nhiều yếu tố ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách quản lý thị trường. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 08/2023, cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành, thị trường đã có sự cải thiện trong năm 2023.

Những thay đổi này phản ánh sự phát triển của thị trường TPDN tại Việt Nam trong thập kỷ qua, có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, sự phát triển của thị trường TPDN, cùng với việc cải thiện khung pháp lý và tăng cường quản lý Nhà nước, đã tạo điều kiện cho việc phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn. Điều này cũng phản ánh sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, khi họ có nhu cầu huy động vốn dài hạn để đầu tư vào các dự án lớn và mở rộng hoạt động kinh doanh.

3 rủi ro của thị trường

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPDN cũng mang lại nhiều thách thức và rủi ro.

Thứ nhất, một trong những thách thức lớn nhất của thị trường TPDN Việt Nam là rủi ro tín dụng. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có khả năng trả nợ đúng hạn, gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư. Điều này phần lớn do các doanh nghiệp không có khả năng quản lý tài chính tốt hoặc gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Thứ hai là thiếu minh bạch thông tin. Tính minh bạch thông tin là một yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố thông tin. Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không đầy đủ hoặc không được kiểm toán độc lập là những vấn đề phổ biến.

Thứ ba là sự phát triển nhanh nhưng không bền vững. Sự phát triển nhanh chóng nhưng thiếu bền vững của thị trường TPDN đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhưng không đủ khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, gây ra rủi ro tín dụng cao và làm mất niềm tin của nhà đầu tư.

Hướng phát triển ổn định, bền vững

Trong thời gian tới, để thị trường phát triển, các chính sách cần chú trọng hướng đến:

tp.jpg
Việc Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Thứ nhất, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Các quỹ và các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nhưng do nhiều vấn đề và một số rào cản, đặc biệt các vấn đề pháp lý nên vẫn chưa thể khơi thông được sức mạnh dòng vốn này tương xứng với nhu cầu và sức hút thị trường.

Thứ hai, thị trường cần được chuẩn bị sẵn sàng ở 3 góc độ: 1) Chuẩn bị nguồn lực phát hành ra thị trường sao cho nhà đầu tư (NĐT) nhìn thấy tiềm năng, thu hút được vốn – tức nâng chất lượng phát hành. 2) Hoàn thiện khung khổ pháp lý sao cho thị trường tháo gỡ các vướng mắc và hoàn toàn phát triển minh bạch. 3) Niềm tin của NĐT thông qua công cụ chính sách, đặc biệt Luật Chứng khoán sửa đổi cho phép các NĐT cá nhân, tổ chức tiếp tục đầu tư trái phiếu và đi cùng là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản đảm bảo, là công cụ để NĐT có thể xem xét, yên tâm đầu tư vào thị trường.

Thứ ba, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên chính sách, giải pháp để thúc đẩy thị trường với: 1) sớm ban hành các văn bản dưới Luật để thị trường được triển khai nhanh các quy định pháp lý mới theo Luật Chứng khoán sửa đổi; 2) hướng dẫn tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước với các thành viên thị trường, hạ tầng thị trường, tư vấn, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và các đơn vị khác, làm sao để tất cả cùng chung tay với nhau tạo hệ sinh thái thúc đẩy thị trường, bởi không một tổ chức đơn lẻ nào có thể tự thúc đẩy thị trường tốt hơn; và 3) kỳ vọng thúc đẩy đồng bộ các nguồn lực, trong đó trái phiếu là kênh trung và dài hạn đóng góp cho nền kinh tế với tăng trưởng mục tiêu 8%.

Bên cạnh đó, là cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư. Việc Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, với việc nâng cao điều kiện của tổ chức phát hành tiệm cận thông lệ thế giới: có sự bảo lãnh ngân hàng để tăng thêm niềm tin khi phát hành đảm bảo nghĩa vụ nợ; các tài sản đảm bảo đi đôi với xếp hạng tín nhiệm. Khi đầu tư, NĐT sẽ quan tâm chất lượng trái phiếu thể hiện qua xếp hạng tín nhiệm. Đây là những quy định mới có ý nghĩa đối với sự sôi động và ổn định của thị trường.


Source link