Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2025 được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho việc thu hút dòng vốn ngoại chảy vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Miếng bánh tiềm năng
Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã bổ sung quy định “tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. Quy định này mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia rót vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, quy định trên sẽ tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho rằng, việc huy động thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa tệp khách hàng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo ông Hải, cần có các hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này.
Hiện nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ nắm khoảng 3% lượng trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, với sự hoàn thiện khung khổ pháp lý, triển vọng huy động vốn ngoại vào thị trường này là rất lớn. “Tiềm năng mở rộng quy mô thị trường từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, do họ có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao”, Nhóm phân tích FiinRatings nhận định.
Cần phát triển các nhà đầu tư tổ chức
Hiện nay, các định chế đầu tư tổ chức, bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, mới sở hữu chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành. Do đó, cần sửa đổi quy định để phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Cụ thể, nên cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro (Risk-Base Capital). Bên cạnh đó, cần hướng tới áp dụng phân bổ tài sản theo rủi ro cho các công ty bảo hiểm, cho các tổ chức tín dụng…
– Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings
Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Ratings chỉ ra một thực tế rằng, hầu hết các quỹ hàng trăm tỷ USD khi đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam đều chọn hình thức ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu các định chế tài chính, các quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp. Do vậy, ông Thuân cho rằng, cần thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước.
Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, đa dạng hàng hóa, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm; hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ…).
Một số quỹ mở cho hay, họ đã nhận được nhiều đề nghị tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, song sau khi tìm hiểu, họ lại e ngại vì số trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng còn ít. Ngoài ra, dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là dữ liệu về xác suất vỡ nợ trái phiếu chưa có, khiến nhà đầu tư ngoại khó quản trị rủi ro cho khoản đầu tư của mình.
Thanh khoản thị trường sẽ sôi động hơn
Không chỉ “mở đường” cho khối ngoại tham gia nhiều hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng quy định chặt chẽ hơn về đối tượng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân chỉ được mua bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong hai trường hợp: doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, những quy định trên sẽ giúp giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này. Các thay đổi giúp “mở đường” cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, kích thích sự sôi động vốn có của kênh huy động vốn này.
Trong khi đó, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT cho rằng, quy định trên không ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Nguyên do là sau các “sự cố” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hai năm qua, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp “ảo” không còn. Về lâu dài, quy định này sẽ khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và thực chất hơn.
Mặc dù đánh giá tích cực những tác động của Luật Chứng khoán (sửa đổi) tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, thách thức với thị trường còn rất lớn. Để giải quyết được những khó khăn trên thị trường này hiện nay, điều đầu tiên cần làm là giải quyết các dự án bất động sản lớn đang bị “đắp chiếu” tại các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/hut-von-ngoai-vao-trai-phieu-doanh-nghiep-post359839.html