Chi tiết

Khẳng định ‘cổ phiếu HPG từ tốt đến rất tốt’, Hòa Phát chính thức trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán

Nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu HPG đã giúp khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long và gia đình tăng sát mức 64.000 tỷ đồng.

Phiên 15/5, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 3,3% lên mức 31.200 đồng/cp – mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022. Sắc xanh tiếp tục được duy trì trong phiên 16/5, có thời điểm giá được đẩy lên mức 31.850 đồng/cp.

Rộng hơn, từ mức thấp điểm ngày 23/4 (27.600 đồng/cp), cổ phiếu HPG đã tăng hơn 15%. Đây cũng là biên độ tăng giá so với thời điểm đầu năm.

Khẳng định 'cổ phiếu HPG từ tốt đến rất tốt', Hòa Phát chính thức trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán
Diễn biến giá cổ phiếu HPG

>> Khối ngoại và những ‘cuộc chơi không kèn trống’ tại loạt cổ phiếu VN30

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2024 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long từng nhấn mạnh: “Cổ phiếu Hòa Phát từ tốt đến rất tốt”. Theo đó, đà tăng giá giúp ông Long có thêm hơn 6.500 tỷ đồng tài sản, đạt 47.800 tỷ đồng qua đó tiếp tục duy trì vị thế người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đồng thời bỏ xa vị trí thứ hai của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Tổng khối tài sản trên sàn chứng khoán của gia đình ông Long cũng tăng gần mức 64.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với diễn biến tích cực này, vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát đã vượt mặt loạt doanh nghiệp như Vingroup, FPT, Techcombank để trở thành doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

Theo thống kê, toàn thị trường hiện có 12 doanh nghiệp ghi nhận vốn hóa từ 150.000 tỷ đồng trở lên trong đó Vietinbank (CTG), Techcombank (TCB), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), FPT hiện đều có vốn hóa ở mức 17x.000 tỷ đồng. Một phiên biến động mạnh về giá cổ phiếu hoàn toàn có thể thay đổi xếp hạng vốn hóa của các doanh nghiệp này.

Trở lại với Tập đoàn Hòa Phát, hiện vốn hóa của “ông lớn” ngành thép chỉ xếp sau 4 doanh nghiệp có gốc Nhà nước gồm Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (ACV – 213.100 tỷ đồng), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI- 246.500 tỷ đồng), Ngân hàng BIDV (BID – 283.300 tỷ đồng) và ngân hàng Vietcombank (VCB – 515.900 tỷ đồng).

Ngày 25/5 tới đây, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng lên sát mức 64.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6,4 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.900 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết, nếu kết quả kinh doanh khả quan, từ năm 2025, Hòa Phát sẽ quay lại chia cổ tức bằng tiền mặt.

>> Ngành thép được kỳ vọng sẽ khởi sắc, CTCK gọi tên 3 cổ phiếu được hưởng lợi

Source link