Du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng mạnh
Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp Khánh Hòa – Trung Quốc diễn ra vào ngày 11/12, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo đó, năm 2024, khách du lịch đến Khánh Hòa ước đạt 10,6 triệu lượt khách (tăng 45,5% so với năm 2023); trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 4,5 triệu lượt (tăng gấp 1,9 lần so với năm ngoái).
Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn thứ hai của Khánh Hòa, sau Hàn Quốc. Trong 10 tháng năm 2024, có gần 500 chuyến bay từ Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh. Dự kiến cả năm nay, địa phương này sẽ đón 750 nghìn lượt khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù kết thúc năm 2024, lượng khách từ thị trường tỷ dân đã tăng cao so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch COVID-19. Năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến với tỉnh). Khoảng thời gian này, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Khánh Hòa.
Đồng quan điểm, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. HCM đánh giá, Nha Trang (Khánh Hòa) từ lâu đã là điểm đến ưu tiên hàng đầu của du khách Trung Quốc khi đi sang Việt Nam.
Sau dịch COVID-19, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. HCM và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã thúc đẩy du khách Trung Quốc quay trở lại Nha Trang.
Có thể kể ra như thúc đẩy tỉnh Khánh Hòa tổ chức thành công các hội nghị kết nối hợp tác du lịch tại Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc); các chuyến bay thương mại và chuyến bay thuê bao qua lại giữa Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, “Cơn sốt Khánh Hòa” và “Cơn sốt Nha Trang” đang một lần nữa phủ sóng mạnh mẽ trên thị trường du lịch quốc tế của Trung Quốc.
Ngoài du lịch, Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM còn chung tay thúc đẩy hợp tác giữa Khánh Hòa và Trung Quốc trong các lĩnh vực; trong đó có thúc đẩy thành công Trung Quốc nhập khẩu yến sào Khánh Hòa với tổng trị giá đạt 10 triệu nhân dân tệ.
“Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với hai doanh nghiệp nổi tiếng là Đồng Nhân Đường và Xiaoxiandun Bắc Kinh; đồng thời đang đàm phán hợp tác với các siêu thị lớn ở Trung Quốc. Tôi tin rằng, sự hợp tác giữa Khánh Hòa và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực sẽ không ngừng đi theo chiều hướng tốt và ngày một phát triển”, ông Ngụy Hoa Tường chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhìn nhận, Khánh Hòa là vùng đất còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển du lịch, được định hướng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của Việt Nam theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia.
Theo ông Bình, Khánh Hòa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, có đường bờ biển tự nhiên dài và nhiều địa điểm du lịch; mạng lưới cơ sở hạ tầng phát triển, liên thông, kết nối thuận lợi, với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và hệ thống cảng biển.
Còn nhiều dư địa để đầu tư vào miền Trung
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên toàn cầu.
Theo đó, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10 năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 168,5 tỷ USD (tăng 21,1%); trong đó, Việt Nam xuất khẩu 50,8 tỷ USD (tăng 2,1%), nhập khẩu 117,7 tỷ USD (tăng 31,6%).
Về đầu tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, năm 2023, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam về số vốn đăng ký và lớn nhất về số lượng dự án, với 4,47 tỷ USD tại 707 dự án.
Tính đến hết tháng 10 năm 2024, Trung Quốc đứng thứ 2 với số vốn đăng ký đạt gần 1,85 tỷ USD và duy trì đứng đầu về số dự án cấp mới với 729 dự án.
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc hiện mới chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc và phía Nam, trong khi khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, còn nhiều dư địa để hợp tác và phát triển”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá.
Những năm gần đây, Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. HCM đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc, lần lượt đến các tỉnh thành khu vực miền Nam như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh,… để khảo sát các sản phẩm chất lượng cao của địa phương và tiềm năng hợp tác thực chất.
“Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, dừa tươi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đạt 6,2 tỷ USD Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc”, ông Ngụy Hoa Tường cho hay.
Trong khi đó, ông Trương Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh TP. HCM cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy nhanh bước tiến đầu tư vào Việt Nam, trong khi số lượng và loại hình hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng ngày càng tăng.
“Trong tương lai, có thể thúc đẩy sự hợp tác ngành nghề giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa, từ đó thúc đẩy đầu tư và hợp tác nhiều ngành”, ông Lâm nói thêm.