Cầu năng lượng khổng lồ từ AI và các trung tâm dữ liệu giúp hồi sinh các lò phản ứng điện hạt nhân đã ngủ yên.
Hai tòa tháp đôi làm mát của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island bên sông Susquehanna, nam Middletown, Pennsylvania của Mỹ, ngừng hoạt động năm 2019, sau khi bốc hơi nước lên bầu trời bốn thập kỷ.
Lò phản ứng đơn vị 1 đóng vào thời điểm trên do không thể cạnh tranh với khí đốt tự nhiên dồi dào và giá rẻ, còn đơn vị 2 đã ngừng hoạt động kể từ sự cố hạt nhân năm 1979, bảy năm trước thảm họa Chernobyl.
Các gã khổng lồ công nghệ đã làm thay đổi vận mệnh của ngành công nghiệp điện hạt nhân. Microsoft giúp khởi động lại Đơn vị 1 thông qua thỏa thuận mua toàn bộ sản lượng điện từ nhà máy trong 20 năm nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu. Chi phí để Đơn vị 1 tái khởi động dự kiến 1,6 tỷ USD.
Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, quốc gia đặt các máy chủ cấp dịch vụ điện toán đám mây, đồng thời cần thiết cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), phục vụ năng lực cạnh tranh kinh tế và an ninh của các quốc gia trong tương lai.
Sau thương vụ của Microsoft, Amazon và Google cũng công bố các khoản đầu tư vào startup điện hạt nhân. Amazon hỗ trợ 500 triệu USD cho dự án X-Energy để phát triển công nghệ lò phản ứng module nhỏ (SMR). Google cũng ký kết một thỏa thuận mua điện từ lò công nghệ tương tự do Kairos Power phát triển.
Cùng với sự bùng nổ của AI và các trung tâm dữ liệu, nhu cầu điện cũng tăng cao. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một truy vấn trên ChatGPT cần lượng điện gấp gần 10 lần để xử lý so với tìm kiếm trên Google.
Theo báo cáo của Goldman Sachs hồi tháng 5, khối lượng công việc của trung tâm dữ liệu đã tăng gần gấp ba từ 2015-2019, ước tính nhu cầu điện của trung tâm dữ liệu sẽ tăng 160% vào năm 2030. Mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu từ AI sẽ vào khoảng 200 TWh mỗi năm trong giai đoạn 2023-2030. Đến năm 2028, dự kiến AI chiếm khoảng 19% nhu cầu điện năng của trung tâm dữ liệu.
Hiện các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới tiêu thụ 1-2% tổng lượng điện năng, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên 3-4% vào cuối thập kỷ. Tại Mỹ và châu Âu, nhu cầu này sẽ thúc đẩy ngành điện tăng trưởng chưa từng thấy trong một thế hệ. Cùng với quá trình đó, lượng phát thải CO2 của các trung tâm dữ liệu có thể tăng gấp đôi từ 2022-2030.
Điện hạt nhân là lựa chọn giúp đạt mục tiêu kép – an ninh năng lượng và giảm phát thải.
Với những lo ngại sức khỏe từ những thảm họa hạt nhân trước đó, Bryan Hanson – Giám đốc phát điện của Constellation, chủ sở hữu Three Mile Island – cho biết ngành công nghiệp hạt nhân đã học được bài học lịch sử. Ông cho biết ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ hiện có tiêu chuẩn về an toàn, độ tin cậy và vận hành tốt nhất thế giới.
Hội nghị khí hậu COP29 tại Baku (Azerbaijan) từ 11-24/11 lần đầu tiên công nhận điện hạt nhân là một trong những giải pháp cần thiết để khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết có 31 quốc gia cùng cam kết tăng điện hạt nhân lên gấp ba vào 2050, gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan…
Báo cáo về điện hạt nhân toàn cầu tháng 8 cho biết sản lượng điện tăng lên 2602 TWh vào năm 2023, từ mốc 2544 TWh năm 2022, cung ứng 9% điện năng thế giới, chỉ đứng sau thủy điện trong nhóm các nguồn năng lượng sạch.
Bảo Bảo (theo CNBC, WNA, Goldman Sachs)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khat-nang-luong-loat-tap-doan-cong-nghe-rot-ty-usd-vao-dien-hat-nhan-4822947.html