Chi tiết

Khi nào giá vàng đạt 3.000 USD/ounce?

Vàng đã trải qua một năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ, giá vàng không chỉ duy trì mức cao kỷ lục mới, mà còn có mức tăng hàng năm lớn nhất trong 14 năm. Các nhà phân tích dự đoán đà tăng giá sẽ tiếp tục vào năm 2025 và có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce, nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị và lãi suất giảm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-01-29 lúc 20.44.06
Các nhà phân tích dự đoán đà tăng giá của vàng sẽ tiếp tục vào năm 2025 và có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce

Chia sẻ với truyền thông quốc tế, ông Anderson Cheung, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu tại công ty tài chính Best Profit Capital cho biết: “Đợt tăng giá vàng vào năm 2024 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, từ làn sóng mua vào của nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, vì họ muốn đầu tư dự trữ của mình vào vàng và đa dạng hóa danh mục đầu tư khỏi việc nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ”.

Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua 694 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm2024, thực tế con số này ít hơn đáng kể so với mức cao nhất mọi thời đại là 1.082 tấn vào năm 2022 và 1.037 tấn vào năm 2023. Tuy nhiên, chiến tranh Nga-Ukraine và các cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn khiến các nhà đầu tư tăng cường chuyển sang vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Vị chuyên gia tại Best Profit Capital dự báo, nhìn về tương lai, thị trường vàng có thể sẽ biến động nhưng vẫn có khả năng kiểm tra mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Mặc dù vậy, ​​giá vàng sẽ điều chỉnh trong nửa đầu năm 2025 xuống mức từ 2.400 – 2.700 USD.

Các nhà đầu tư cần chờ đợi và quan sát để hiểu rõ hơn về ý nghĩa chính sách của ông Donald Trump đối với nền kinh tế thế giới. Nhìn chung, các chính sách của ông Trump có lợi cho doanh nghiệp, mối đe dọa về thuế quan sẽ giúp đồng đô la Mỹ mạnh lên trong nửa đầu năm, điều này sẽ gây thêm áp lực lên giá vàng. Mặt khác, các ngân hàng trung ương vẫn có khả năng tiếp tục mua vàng, cùng với việc tiếp tục cắt giảm lãi suất dự kiến ​​trong nửa cuối năm, cũng sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn vào cuối năm.

Ông giải thích thêm rằng tình hình tương tự đã diễn ra vào năm 2016 khi ông Trump được bầu vào Nhà Trắng và kịch bản tương tự có khả năng sẽ lặp lại vào năm 2025.

Trong năm nay, giá vàng đã tăng vọt hơn 30% lên mức kỷ lục hơn 2.600 USD/ounce, còn giá Bitcoin đã liên tục biến động và đạt được giá trị kỷ lục hơn 100.000 USD/BTC
Sức hấp dẫn ngày càng tăng của các loại tiền điện tử như Bitcoin cũng có thể ảnh hưởng đến giá vàng

Đồng quan điểm, ông Stephen Innes, quản lý tại SPI Asset Management, một công ty tư vấn hàng hóa và ngoại hối, cũng tin rằng đà tăng giá của vàng sẽ tiếp tục vào năm 2025 nhờ lãi suất thấp trên toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và chiến tranh thương mại mở rộng.

Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy 81% số người được hỏi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường dự trữ vàng của họ trong năm 2025. Điều này dường như đã nhấn mạnh triển vọng khả năng tăng giá đối với vàng.

“Dù vậy, quỹ đạo lạc quan này có thể bị điều chỉnh bởi hoạt động chốt lời, điều chỉnh thị trường và sức hấp dẫn ngày càng tăng của các loại tiền điện tử như Bitcoin, vốn đang hút một số khoản đầu tư truyền thống khỏi vàng.

Thêm vào đó, khả năng tạm dừng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay bất kỳ sự hạ nhiệt căng thẳng nào ở Đông Âu cũng có thể làm giảm rủi ro địa chính trị, có khả năng làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn

Điểm đáng chú ý là Trung Quốc sẽ vẫn đóng vai trò chính trong việc tác động đến giá vàng, khi nền kinh tế nước này đang chậm lại và với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có khả năng cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá, thì nhu cầu vàng trong nước được xem như một công cụ phòng ngừa sự suy yếu của đồng tiền có thể sẽ tăng lên”, ông Stephen Innes nói.

Với quan điểm thận trọng hơn, trong một dự báo mới cập nhật, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, giá vàng sẽ cần nhiều thời gian để đạt tới mốc 3.000 USD/ounce. Theo dự báo của Goldman Sachs, việc lãi suất giảm chậm lại sẽ khiến cho nhu cầu vàng của các quỹ ETF suy yếu trong năm 2025 và giá vàng giao ngay sẽ đạt đỉnh của năm ở vùng 2.910 USD/ounce vào quý 4. Sau đó, đến giữa năm 2026, giá vàng mới có thể đạt mức 3.000 USD, thay vì thiết lập mốc giá này vào cuối năm 2025.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đã thu hẹp mức tăng do áp lực từ việc đồng USD mạnh lên, số lượng việc làm tăng, báo hiệu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất đang giảm dần. Trong phiên giao dịch ngày 8/1, vàng giao ngay giảm xuống còn 2.647 USD/ounce, thu hẹp phạm vi tăng sau khi tăng đến 1,5% ở phiên trước đó.


Source link