Chi tiết

Khó khăn kép của doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 502 USD/tấn, giảm tới 18 USD/tấn so với đầu tháng 12/2024 và thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn.

8_2-1637967272588.jpeg
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 502 USD/tấn, giảm tới 18 USD/tấn so với đầu tháng 12/2024.

VFA cho rằng, với quyết định chấm dứt các hạn chế xuất khẩu cùng với vụ mùa bội thu dự kiến của Ấn Độ sẽ khiến nguồn cung gạo dồi dào trên toàn cầu, gây sức ép đối với hầu hết các quốc gia xuất khẩu gạo năm 2025, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, một nhà giao dịch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng cho biết, giá gạo đã giảm thêm sau khi Bộ Nông nghiệp Philippines ra tín hiệu sẽ mua gạo từ Ấn Độ và Pakistan. Philippines là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, Ấn Độ đang trên đà đạt sản lượng gạo kỷ lục là 119,93 triệu tấn trong vụ Kharif 2024/25, tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ cũng ghi nhận tăng. Tính đến ngày 1/11/2024, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ đạt 44,08 triệu tấn, tăng 17% so với năm trước, chủ yếu là do lệnh cấm xuất khẩu gạo năm 2023 và hoạt động thu mua của Chính phủ đang diễn ra.

Lượng dự trữ này cao hơn nhiều so với yêu cầu dự trữ đệm là 10,25 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12. Việc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo, trừ gạo tấm cho phép Ấn Độ đáp ứng nhu cầu trong nước trong khi vẫn hỗ trợ xuất khẩu.

Trong khi chịu cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ, gạo Việt tiếp tục đối mặt khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc – một trong những thị trường truyền thống giảm sâu tới 71,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, lý do khiến gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm là do Trung Quốc nâng tiêu chuẩn về chất lượng gạo so với trước. Từ gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST24… đều rất khắt khe về chất lượng và mẫu mã bao bì; còn gạo chế biến, Trung Quốc chỉ nhập gạo giá rẻ, số lượng lớn.

gia-gao-xuat-khau-17054600947049497321220240828162433.jpg
Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến thị trường cần quan tâm chú trọng phát triển thương hiệu gạo Việt tại các thị trường truyền thống.

Cùng với đó, tại thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với gạo cùng loại đến từ Thái Lan, Campuchia. Đây đều là những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không chỉ có chất lượng gạo tốt mà bao bì cũng rất hấp dẫn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích thêm, những năm gần đây, Trung Quốc có chính sách dần chủ động nguồn lương thực trong nước để bảo đảm an ninh lương thực, cho nên những năm gần đây, sản lượng gạo sản xuất của Trung Quốc đạt khá.

Bên cạnh đó, gạo tẻ chất lượng cao vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Trung Quốc sử dụng gạo nếp nhiều hơn trong các món ăn của mình.

“Đối với gạo tẻ, một số loại gạo chất lượng cao được bổ sung vào tiêu thụ ở phân khúc gạo cao cấp chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Campuchia, vì gạo của các quốc gia này được đầu tư rất lớn vào thương hiệu và bao bì. Một số loại gạo phổ thông khác được dùng để phối trộn với các loại gạo của nước sở tại hoặc được chế biến, đóng gói theo thương hiệu của doanh nghiệp nước này lại không phải loại gạo thế mạnh của Việt Nam là gạo thơm chất lượng cao”, chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá cao. Điều này giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu chung, song khiến gạo Việt khó cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải, thời gian qua, Trung Quốc hạn chế số lượng doanh nghiệp gạo được phép xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 161 doanh nghiệp gạo Việt Nam đã được cấp phép.

Trước thực tế đó, để đạt các mục tiêu xuất khẩu năm 2025 và giữ giá cho gạo xuất khẩu, cũng như giữ các thị trường truyền thống, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thị trường, mở cửa thị trường mới và nâng cao chất lượng gạo hơn nữa để xuất khẩu gạo vào các thị trường giá cao.

“Xuất khẩu gạo của Việt Nam cần phát huy và tận dụng lợi thế của mình tại thị trường Trung Quốc, bởi trong những năm qua, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ bạn hàng truyền thống tốt đẹp với nước bạn; đồng thời, duy trì tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu gạo để thị trường dễ nhận biết và dễ chọn lựa, sử dụng”, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận định.

Tính hết tháng 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn gạo với kim ngạch 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng; tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn kim ngạch cả năm 2023.

Nguồn