>>> VN-Index sẽ theo kịch bản nào?
VN-Index vẫn không thể bứt phá qua 1.300 điểm như kỳ vọng, mà vẫn chỉ loanh quanh vùng 1.200-1.290 điểm trong phần lớn thời gian của nửa đầu năm nay. Nhiều người đổ lỗi cho khối ngoại bởi áp lực bán của họ.
Thống kê trong tháng 6 cho thấy, khối ngoại đã bán ròng 19 trong tổng số 20 phiên giao dịch và đẩy giá trị bán ròng tháng này lên cao nhất là 16.614 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt hơn 52.000 tỷ đồng. Những tưởng khi tỷ giá có dấu hiệu chững lại thì khối ngoại sẽ giảm bớt đà bán nhưng điều đó chỉ diễn ra trong một vài phiên đầu tháng 7. Khối ngoại lại liên tiếp bán ra lượng lớn cổ phiếu, đặc biệt phiên giao dịch ngày 8/7 với tổng giá trị bán lên đến 1.921 tỷ đồng trên sàn HoSE, đã vượt qua kỷ lục 1.185 tỷ đồng của phiên ngày 27/3/2024.
Dẫn đầu là HDB bị khối ngoại bán ròng 491,5 tỷ đồng, kế tiếp là STB (-289,2 tỷ đồng), SAB (-189,2 tỷ đồng), MWG (-157,8 tỷ đồng), FPT (-127,6 tỷ đồng),… Tính đến hết phiên giao dịch 10/7, tổng giá trị bán ròng tháng 7 đã lên tới khoảng gần 6.000 tỷ đồng, đưa tổng số bán ròng đạt 58.000 tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, chúng ta chưa thấy khối ngoại bán ròng quyết liệt đến vậy, thậm chí nếu so với đỉnh điểm năm 2021. Điều này là bởi giá trị giao dịch năm 2021 rất lớn, thường khoảng 30.000 – 50.000 tỷ đồng/phiên/HSX nên giá trị bán ròng của khối ngoại không nhiều và cũng không tạo ra sự nổi bật như hiện nay khi thanh khoản đang chỉ loanh quanh 15.000 – 22.000 tỷ đồng.
>>> Lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn
Hơn nữa, chưa khi nào thấy khối ngoại bán ròng những cổ phiếu thuộc vào nhóm bất khả bán là FPT, ACB, MBB… như hiện nay. Điểm đáng kinh ngạc nhất là họ bán cổ phiếu FPT ròng rã, khối lượng cũng như giá trị bán là rất lớn, khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Đây đang là cổ phiếu thuộc nhóm ngành nổi bật nhất hiện nay trên toàn cầu, như NVIDIA, APPLE, Microsoft… lập hết đỉnh này đến đỉnh khác. Một nhóm cổ phiếu khác nằm trong top bị bán ròng là bộ ba nhà Vingroup, trong đó lớn nhất là VHM (gần 12.000 tỷ đồng) và VRE. Một nhóm cổ phiếu tiếp theo luôn kín room cũng bị bán mạnh là nhóm ngân hàng, như VCB, BIB, ACB, MBB…
Đi tìm nguyên nhân
Theo tìm hiểu, hoạt động bán ròng của khối ngoại đến từ nhiều quỹ, từ quỹ chủ động cho đến quỹ thụ động. Các quỹ ETFs đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan dẫn dầu nhóm bán ròng khi bị rút vốn liên tục. Quỹ Fubon ETF bị rút ròng khoảng gần 2.500 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Chúng ta đều tin rằng tỷ giá là nguyên nhân lớn nhất khiến khối ngoại bán ròng, nhưng điều này có lẽ không hẳn đã đúng hoàn toàn. Theo dõi TTCK Nhật Bản, tỷ giá đồng Yên/USD giảm đến gần 40% nhưng đây lại là thị trường hút dòng tiền đầu tư lớn đổ vào, giúp chỉ số Nikkei 225 chạm đỉnh 40.000 điểm kể từ thập niên 90.
Trong khi có nhiều báo cáo kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2024, rồi sang 2025, thậm chí là 2026 nhưng khối ngoại vẫn bán ròng. So với các thị trường khác, điều này là hoàn toàn trái ngược, bởi họ thường mua ròng mạnh trước thời điểm được nâng hạng. TTCK Việt Nam vẫn đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 – thị trường mới nổi từ nhiều năm nay nhưng chưa thể thực hiện.
Tuy nhiên, trong việc bán hay mua của khối ngoại, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu lợi nhuận. Nếu nhìn vào việc bán và mua ròng của khối ngoại có thể thấy, năm 2021 họ bán ròng kỷ lục thì VN-Index tăng đỉnh cao 1.530 điểm. Đến năm 2022 khi TTCK Việt Nam gặp khó khăn, bị bán tháo thì khối ngoại quay lại mua, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2022 khi cổ phiếu chạm đáy. Đà mua, bán của khối ngoại khá cân bằng ở nửa đầu năm 2023, nhưng họ bắt đầu bán ròng kể từ tháng 7/2023 đến nay với tổng giá trị giai đoạn này khoảng 77,4 nghìn tỷ đồng. Hay nhìn vào những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh, ngoại trừ nhóm VIN thì hấu hết giá bán là đỉnh của đỉnh. Như vậy, có thể thấy khối ngoại bán ròng ở 2 giai đoạn mạnh nhất đều là lúc thị trường và giá cổ phiếu ở mức cao nhất. Do đó, khối ngoại đã thu lợi nhuận lớn.
TTCK toàn cầu đang phân hóa rất mạnh, chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng cao nhất, lần lượt 26,35% và 18,52%. Nikkei 225 tăng thêm 22%, còn Taiwan Index (Đài Loan) tăng hơn 30%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Thái Lan giảm trên 8%, các chỉ số chứng khoán Indonesia hay Philippines cũng chìm trong sắc đỏ. VN-Index xếp trong nhóm tích cực, nhưng chỉ tăng khoảng 13%. NĐT nội đang nỗ lực hỗ trợ thị trường trước làn sóng bán ròng của khối ngoại nhưng điều đó có kéo dài hay không đang là một câu hỏi lớn.
Đánh giá của bạn: