Chi tiết

Khối ngoại mua ròng trở lại

Sau chuỗi bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng trở lại từ nửa cuối tháng 9, giúp thị trường đỡ lại một phần áp lực bán ra của khối nội.

Theo Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX), trong tuần đầu tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 5.400 tỷ đồng cổ phiếu, trong khi họ bán ra gần 5.000 tỷ. Quy mô mua ròng đạt hơn 400 tỷ đồng, hướng tới tháng đầu tiên khối ngoại mua tăng trở lại sau 8 tháng bán ra liên tiếp trước đó.

Thực tế, hơn một năm qua, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Quy mô bán ròng từ đầu năm đến nay đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu thay đổi từ nửa cuối tháng 9.

Nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam gọi diễn biến của khối ngoại là “điểm nhấn”. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 2.300 tỷ trên HoSE, nâng quy mô bán từ đầu năm lên hơn 66.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại trừ thương vụ thoái gần 5% vốn tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) gần 2.700 tỷ, khối ngoại thực tế đã mua ròng trở lại gần 600 tỷ đồng trong tháng trước.

Xu hướng mua trở lại của khối ngoại là lực đỡ cho thị trường trong giai đoạn giằng co gần vùng kháng cự 1.300 điểm và hấp thụ một phần áp lực bán của nhà đầu tư tổ chức. Tháng 9, nhà đầu tư trong nước bán ròng 3.200 tỷ đồng sau khi mua kỷ lục 7.200 tỷ trong tháng trước đó. Riêng nhóm tự doanh bán hơn 950 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, áp lực bán ròng từ đầu năm đến từ sự dịch chuyển dòng vốn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường và tỷ giá. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 9, sự thay đổi của một số yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của khối ngoại đã phần nào khiến xu hướng này đảo chiều.

Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Yuanta, nhóm phân tích cho biết xu hướng dịch chuyển dòng vốn đang thay đổi khi tiền rút ròng khỏi thị trường Mỹ những tuần gần đây. Ba chỉ số chính là Dow Jones, Nasdaq và S&P500 vẫn tăng, nhưng dòng tiền vào các quỹ ETF Mỹ đầu tư cổ phiếu lại đảo chiều, rút hơn 5 tỷ USD. Ngược lại, diễn biến khá tích cực với vốn ra thị trường ngoài Mỹ. Trong đó, các quỹ đầu tư cổ phiếu hút 3,7 tỷ USD, còn quỹ đầu tư trái phiếu ghi nhận dòng tiền dương, gần 2 tỷ USD.

Ở thị trường Việt Nam, tỷ giá hạ nhiệt cũng là một yếu tố hỗ trợ. Thời điểm cuối tháng 9, tỷ giá trên thị trường ngân hàng về quanh 24.700 đồng, giảm hơn 3% so với mức đỉnh xác lập cuối tháng 6 (25.473 đồng). So với đầu năm, tỷ giá tăng khoảng 1,4%, thấp hơn mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), các động lực làm cho USD “đặc biệt mạnh mẽ” trên toàn cầu 4 tháng đầu năm nay bắt đầu suy yếu. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy đôla Mỹ có khả năng giảm giá khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc giảm lãi suất 0,5%, về 4,75-5%. Bên cạnh đó, chỉ số USD Dollar Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh – đã giảm về sát ngưỡng 100 điểm vào cuối tháng trước, so với mức gần 106 điểm hồi tháng 6.

Diễn biến căng thẳng địa chính trị gần đây đẩy sức mạnh đồng bạc xanh tăng trở lại ngưỡng 102 điểm, tỷ giá trong nước nhích lên vùng 25.000 đồng. Tuy nhiên, ngưỡng này vẫn thấp hơn khoảng 2% so với mức đỉnh cuối tháng 6.

Minh Sơn


Nguồn tin: https://vnexpress.net/khoi-ngoai-mua-rong-tro-lai-4801118.html