Chi tiết

Khối ngoại rót hàng tỷ USD vào TTCK Đông Nam Á, vì sao không có Việt Nam?

Dự báo, đồng USD yếu và sự biến động tại một số thị trường phát triển có thể tạo cơ hội để dòng tiền khối ngoại trở lại mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Theo dữ liệu từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Thái Lan với quy mô 460,1 triệu USD trong tuần đầu tháng 9, vượt trội so với Indonesia (211 triệu USD) và Malaysia (169,2 triệu USD). Khối ngoại cũng thực hiện giao dịch mua nhẹ trên thị trường Philippines, với 22,2 triệu USD.

Khối ngoại rót hàng tỷ USD vào TTCK Đông Nam Á, vì sao không có Việt Nam?
Nguồn: VPBankS

Indonesia nổi bật với việc hút vốn ngoại lên tới hơn 2,4 tỷ USD kể từ đầu quý III, giúp đảo chiều dòng tiền sau khi bị rút ra hàng tỷ USD trong nửa đầu năm. Tính đến ngày 6/9, giá trị vào ròng từ đầu năm trên thị trường này đạt hơn 2 tỷ USD.

Tương tự, thị trường chứng khoán Malaysia ghi nhận dòng tiền ngoại đổ vào đạt hơn 1,03 tỷ USD trong quý III (tính đến ngày 6/9), giúp đảo chiều từ rút vốn sang mua vào gần 866 triệu USD kể từ đầu năm.

Tại thị trường Philippines, giá trị mua từ đầu tháng 7 đến nay là gần 226 triệu USD qua đó thu hẹp quy mô rút vốn từ đầu năm xuống còn gần 302 triệu USD.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thấy sự đảo ngược xu hướng dòng tiền ngoại. Khối ngoại dù đã giảm mạnh lực bán kể từ tháng 8 xong vẫn rút vốn nhẹ trên sàn HoSE với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng tính đến ngày 8/9. Tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đã vượt mức kỷ lục của năm 2021, đạt 2,2 tỷ USD. Nếu không có yếu tố bất ngờ trong phần còn lại của tháng 9, chuỗi bán ròng của khối ngoại sẽ duy trì sang quý thứ 6 liên tiếp.

Khối ngoại rót hàng tỷ USD vào TTCK Đông Nam Á, vì sao không có Việt Nam?
Diễn biến bán ròng của khối ngoại trên toàn thị trường từ đầu năm 2024

Sự luân chuyển dòng vốn quốc tế từ các thị trường phát triển (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sang các thị trường mới nổi như ASEAN đã rõ nét. Trong tháng 8, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển giảm mạnh từ 83 tỷ USD xuống 25,4 tỷ USD, trong khi nhóm thị trường đang phát triển ghi nhận mua ròng hơn 15,3 tỷ USD.

Theo SSI Research, sự suy yếu của đồng USD và tìm kiếm cơ hội ở các thị trường định giá hấp dẫn hơn là nguyên nhân chính cho sự đảo chiều này. Đồng thời, dòng vốn cũng bị rút mạnh từ các thị trường phát triển khu vực châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản trong tuần đầu tháng 9.

Dự báo sắp tới, đồng USD yếu và sự biến động tại các thị trường phát triển có thể dẫn đến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư mới cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần đủ tiền ngay, được kỳ vọng ban hành trong tháng 9 và triển khai trong quý IV, có thể làm tăng triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam bởi FTSE Russell vào tháng 9/2025. SSI Research cho rằng đây là cơ hội để quỹ đầu tư quốc tế xem xét quay lại thị trường Việt Nam.



Nguồn tin