Ông Lê Hồng Minh thu về hơn 1.100 tỷ đồng vào tháng 8/2023 nhờ việc bán cổ phiếu VNZ ở vùng giá cao. Số cổ phần ông Minh sở hữu trực tiếp tại Công ty VNG thời điểm hiện tại có giá trị 1.220 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG (tiền thân là VinaGame) từng đạt đỉnh 1.562.500 đồng/cp vào tháng 2/2023, đưa vốn hóa công ty lên 44.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến phiên 7/9/2024, VNZ chỉ còn 480.000 đồng/cp, giảm 69% so với đỉnh, khiến vốn hóa “bốc hơi” 31.107 tỷ đồng, còn lại 13.793 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VNG – ông Lê Hồng Minh – đang nắm giữ trực tiếp 2.542.054 cổ phiếu (chiếm 7,09% cổ phần), tương ứng giá trị tài sản 1.220 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 8/2023, ông Minh đã bán ra 983.783 cổ phiếu ở vùng giá 1.135.000 đồng/cp, ước tính thu về 1.117 tỷ đồng tiền mặt.
Ước tính, ông Lê Hồng Minh thu về 1.117 tỷ đồng vào tháng 8/2023 nhờ bán cổ phiếu VNZ |
Hành trình từ chủ quán game đến cơ ngơi tỷ USD
Ông Lê Hồng Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội và từng theo học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng tại Đại học Monash, Úc. Trong thời gian du học, ông thường làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi, công việc này giúp ông có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Năm 2001, Lê Hồng Minh trở về Việt Nam và bắt đầu công việc đầu tiên với vai trò nhân viên tín dụng tại VinaCapital. Đến năm 2003, ông cùng một vài người bạn thành lập quán game với một số dịch vụ đi kèm như một công việc phụ.
Từ quán game nhỏ, nhóm của ông Minh đã thành lập CTCP VinaGame vào năm 2004. Chỉ sau 6 tháng, sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ ra mắt và tạo nên cú hích lớn cho doanh nghiệp. Tựa game nhanh chóng thu hút 1 triệu thành viên chỉ sau hơn nửa năm, mang lại lợi nhuận và danh tiếng lớn cho VinaGame. Tiếp nối thành công, công ty tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh này và ra mắt nhiều tựa game nổi tiếng như Gunny, PUBG, Liên Minh Huyền Thoại…
Năm 2009, VinaGame đổi tên thành VNG và mở rộng sang nhiều lĩnh vực công nghệ khác như mạng xã hội, thương mại điện tử, nội dung số và thanh toán điện tử. Nhiều thương hiệu của VNG đã trở nên quen thuộc với người dùng Việt Nam như Zing TV, Zing MP3, Zalo (nền tảng kết nối), ZaloPay, 123Pay (nền tảng thanh toán), cùng các dịch vụ đám mây như Cloud Server, Tape Backup.
Hệ sinh thái VNG |
Vào năm 2014, VNG trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi được World Startup Report định giá 1 tỷ USD. Đến năm 2019, VNG tiếp tục được quỹ đầu tư Temasek định giá 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn giữ mức định giá cao khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Ông Lê Hồng Minh đã trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ khởi nghiệp tại Việt Nam. Năm 2018, ông được vinh danh là một trong 8 nhà sáng lập lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á do Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN bình chọn.
Về kết quả kinh doanh, VNG đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2017 với con số 938 tỷ đồng, nhưng sau đó bắt đầu suy giảm. Đến cuối năm 2021 (trước khi bắt đầu chuỗi thua lỗ), VNG đã tích lũy được khoản lợi nhuận chưa phân phối lên tới 6.648 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, công ty thua lỗ nghiêm trọng: năm 2022 lỗ ròng 1.534 tỷ đồng, năm 2023 lỗ ròng 2.317 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục lỗ ròng 586 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính được cho là từ khoản đầu tư vào ZaloPay từ năm 2016, được ví như một “cỗ máy đốt tiền”. Trong suốt 8 năm qua, ZaloPay đã lỗ lũy kế 4.760 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, ZaloPay tiếp tục lỗ thêm hơn 230 tỷ đồng. Đáng chú ý, một đối thủ lớn trong ngành, ví điện tử Moca, đã chấp nhận rút lui khỏi thị trường dù được hậu thuẫn bởi Grab.