Các đối tượng sử dụng Facebook, Zalo, Telegram để rao bán tiền giả sau đó chuyển phát nhanh cho người mua.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện một số đối tượng có hành vi nghi vấn liên quan đến tàng trữ và lưu hành tiền giả. Sau thời gian phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã khởi tố 9 bị can về tội danh làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả và thu giữ gần 100 triệu đồng tiền giả.
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng đã mua nhiều loại máy móc hiện đại để làm tiền giả, đặt mua căn cước công dân giả, sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram để rao bán tiền giả; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để giao dịch, chuyển phát tiền giả.
Với thủ đoạn tinh vi như trên, từ tháng 6/2023 đến tháng 4/2024, các đối tượng đã giao dịch thành công 125 đơn hàng với 80 người ở 44 tỉnh thành trong cả nước; số tiền giả đã bán là gần 200 triệu đồng, thu được 84 triệu đồng tiền thật.
Tết Nguyên Đán là thời điểm người dân có nhu cầu mua bán, giao dịch thương mại tăng cao, đây cũng là thời cơ thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiêu thụ tiền giả, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh tiền tệ.
Do đó, Công an tỉnh Tuyên Quang đề nghị mỗi người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, đề phòng cảnh giác.
(1) Không vào các trang mạng xã hội, các hội nhóm quảng cáo tiền giả, không đặt mua tiền giả hoặc những vật phẩm hàng cấm khác.
(2) Khi giao dịch mua bán cần cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng để trả tiền giả khi mua hàng. Đặc điểm các loại tiền giả thường có màu sắc, họa tiết đậm hoặc nhạt hơn bình thường, tờ tiền dày hơn, các chi tiết in không sắc nét.
(3) Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.