Chi tiết

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang “đổ tiền” vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam

Việt Nam không chỉ là cửa ngõ vào thị trường ASEAN mà còn là cầu nối để các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn không chỉ với các quốc gia phương Tây mà còn với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Với lợi thế địa lý gần gũi, mối quan hệ kinh tế song phương bền chặt và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực chiến lược.

Khảo sát “Doanh nghiệp tại ASEAN” của HSBC, được tiến hành trên 600 công ty lớn tại các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cho thấy hơn 50% doanh nghiệp trong khu vực bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam làm điểm đến để mở rộng kinh doanh. Các công ty tham gia khảo sát đều có doanh thu hàng năm từ 150 triệu USD trở lên. Kết quả, top 3 doanh nghiệp láng giềng hào hứng mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhất là Thái Lan (66%), Malaysia (58%) và Indonesia (55%). Thái Lan cũng nằm trong top 3 các doanh nghiệp tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam ở mức 93%, đứng sau doanh nghiệp sở tại (98%) và Singapore (94%).

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp từ Bộ kế hoạch đầu tư

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thái Lan hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tại khu vực ASEAN, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,3 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 năm 2024. Các doanh nghiệp Thái Lan không chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng mà còn mở rộng sang năng lượng, bất động sản và công nghiệp chế tạo. Các khoản đầu tư lớn nổi bật với các tập đoàn sau:

TCC Group ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam

TCC Group, một trong những tập đoàn hàng đầu của Thái Lan do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập, đã xây dựng dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán và đầu tư quy mô lớn trong các lĩnh vực từ bất động sản, bán lẻ, đến thực phẩm và đồ uống.

Năm 2015, TCC Group đã mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá trị lên tới 655 triệu Euro (khoảng 879 triệu USD). Hệ thống gồm 19 trung tâm phân phối trên cả nước, giúp TCC Group thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ Việt Nam, phục vụ chủ yếu cho nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhà hàng. Sau khi sáp nhập, Metro Cash & Carry được đổi tên thành MM Mega Market, tập trung cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với chuỗi cung ứng bền vững.

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi

Đến năm 2017, TCC Group thâu tóm Sabeco qua công ty con Thai Beverage (ThaiBev), TCC Group đã chi hơn 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đây là thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó, đưa ThaiBev trở thành cổ đông kiểm soát của Sabeco, sở hữu thương hiệu bia hàng đầu Việt Nam như Bia Sài Gòn và 333.

Về lĩnh vự bất động sản, TCC Group cũng sở hữu Khách sạn Melia Hà Nội, một trong những khách sạn 5 sao sang trọng tại thủ đô. Ngoài ra, tập đoàn còn đầu tư vào nhiều dự án bất động sản thương mại và bán lẻ khác tại các thành phố lớn, với mục tiêu tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Việt Nam.

Central Group mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Big C và 49% cổ phần Nguyễn Kim

Central Group, một trong những tập đoàn bán lẻ và bất động sản hàng đầu Thái Lan do gia đình Chirathivat sở hữu, đã đặt trọng tâm vào Việt Nam như một thị trường chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, Central Group đã thực hiện hàng loạt khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản.

Năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, một trong những chuỗi điện máy lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2019: Tập đoàn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%. Nguyễn Kim được tích hợp vào chiến lược bán lẻ tổng thể của Central Group, mở rộng sản phẩm và cải thiện trải nghiệm mua sắm điện máy tại Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn Thái còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi – thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
Những thành viên của gia tộc Chirathivat

Tới 2016, Central Group đã mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp), giá trị thương vụ khoảng 1,05 tỷ USD. Big C đã được tái định vị thương hiệu, đổi tên một phần thành GO! và tập trung vào cung cấp trải nghiệm mua sắm hiện đại. Hệ thống này trở thành động lực chính trong mạng lưới bán lẻ của Central Group tại Việt Nam.

Tập đoàn Central Retail cho biết sẽ đầu tư 50 tỷ Baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2022-2027. Đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất mà tập đoàn này đổ vào Việt Nam từ trước đến nay. Với khoản đầu tư này, Tập đoàn Central Retail sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt ở 57 trên tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Theo ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Retail, tập đoàn này coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn khi kinh tế tăng trưởng liên tục. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay và năm sau sẽ đạt lần lượt 6,7% và 7,2% so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan.

CP Group – một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, và chăn nuôi tại Việt Nam

CP Group (Charoen Pokphand Group), được thành lập năm 1921, hiện là một trong những doanh nghiệp mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công – nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tập đoàn C.P bắt đầu vào Việt Nam năm 1988 với văn phòng đại diện tại TP HCM. Năm 1993, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH chăn nuôi C.P Việt Nam, có trụ sở chính tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2. Năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Với hơn 30 năm hoạt động, CP Group đã trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, và chăn nuôi tại Việt Nam.

Tính đến năm 2023, tổng vốn đầu tư của CP Group tại Việt Nam đã vượt mốc 2 tỷ USD. Tập đoàn vận hành hơn 20 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 nhà máy chế biến thực phẩm và hàng loạt trang trại chăn nuôi trên toàn quốc. CP Group liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chăn nuôi tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động môi trường.

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam

CP Group hợp tác với hàng nghìn hộ nông dân Việt Nam thông qua các mô hình hợp tác chăn nuôi, cung cấp giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi. Đồng thời, tập đoàn phát triển chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến thực phẩm đến phân phối, CP Group kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

CP Group dự kiến tăng vốn đầu tư tại Việt Nam thêm 500 triệu USD trong 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm chế biến, phát triển thêm các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm tại miền Bắc và miền Trung. CP Group đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thực phẩm và thủy sản từ Việt Nam, tập trung vào thị trường châu Âu và Mỹ.

SCG với hơn 20 công ty con hoạt động tại Việt Nam

SCG (Siam Cement Group) là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Thái Lan, hoạt động trong các lĩnh vực xi măng, hóa chất và bao bì. SCG đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 và trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Thái Lan tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 6 tỷ USD. SCG sở hữu hơn 20 công ty con hoạt động tại Việt Nam, trải rộng khắp các lĩnh vực kinh doanh. Tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Ngày 15/4/2013, SCG đã chính thức tiếp quản toàn bộ tập đoàn Prime Group. Dự án tại Khu công nghiệp Bình Xuyên là dấu ấn đầu tiên ghi tên tuổi SCG trong ngành vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam, với số vốn 239,6 triệu USD.

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
SCG cũng đã đầu tư lớn vào lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Năm 2020, Tập đoàn đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (Sovi) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam.

SCG cũng đã đầu tư lớn vào lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam, với dự án Lọc hóa dầu Long Sơn tạ Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm nhấn quan trọng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 5,4 tỷ USD. Đây là dự án lọc hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm sản xuất nhựa nguyên liệu như polyethylene và polypropylene. Dự án bắt đầu hoạt động từ năm 2023 và dự kiến cung cấp 1,4 triệu tấn nhựa nguyên liệu mỗi năm, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Việt Nam. Lãnh đạo SCG cũng cho biết họ sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD vào tổ hợp hóa dầu này để mở rộng dự án có thể sử dụng ethane làm nguyên liệu. Việc này đang chờ ý kiến của các cơ quan Việt Nam và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027. SCG có kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hóa dầu và bao bì. Dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD vào các dự án mới trong giai đoạn 2025-2030. SCG đặt mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu bao bì và sản phẩm hóa dầu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, và EU.

Đại gia năng lượng B.Grimm Power Public Company Limited

B.Grimm Power là một trong những tập đoàn năng lượng lâu đời nhất của Thái Lan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện và cơ sở hạ tầng năng lượng. Công ty đã đầu tư đáng kể vào thị trường Việt Nam với các

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam
B.Grimm Power là một trong những tập đoàn năng lượng lâu đời nhất của Thái Lan. Ảnh minh hoạ

Năm 2019, B.Grimm Power hợp tác với Công ty Cổ phần Xuân Cầu cung cấp nguồn năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia Việt Nam qua Dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng, tại Tây Ninh với công suất 420MW, và và nhà máy điện mặt trời Phú Yên có công suất 257MW. Đây là hai nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Theo công ty, khoản đầu tư vào hai dự án này đạt giá trị khoảng 677 triệu USD. Hiện tại, B.Grimm Power đã ký kết hợp tác để phát triển các dự án điện gió tại Ninh Thuận với công suất dự kiến lên tới 240MW. Dự án đang trong giai đoạn triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tại sao Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan?

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực với mức tăng trưởng GDP ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng và nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh mẽ. Theo ông Phusit Ratanakul Sereroengrit, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, thị trường bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh số 350 tỷ USD (khoảng 12.130 tỷ Baht) vào năm 2025, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực cho các doanh nghiệp Thái Lan. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam, ông Phusit khuyến nghị các doanh nhân Thái Lan nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Giao dịch trực tuyến và bán hàng qua mạng xã hội không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

Thêm vào đó, với vị trí nằm trên tuyến giao thương quốc tế quan trọng, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ vào thị trường ASEAN mà còn là cầu nối để các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm rào cản pháp lý và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất xanh.

Trong bối cảnh ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng và quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan ngày càng chặt chẽ, đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh. Với tầm nhìn dài hạn, các doanh nghiệp Thái Lan không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư mà còn là đối tác chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và hợp tác kinh tế song phương.



Nguồn tin