Quốc hội vừa mới thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Đa số các đại biểu thống nhất cao về việc sửa đổi 4 luật. Nhưng cũng còn một số vấn đề các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, tại khoản 1 Điều 45a của Luật Đầu tư theo phương thức PPP quy định, về hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất. Nhưng, không nên thanh toán bằng quỹ đất, bởi nếu là quỹ đất sạch thì giá đất được xác định theo bảng giá đất do HĐND tỉnh ban hành trong năm, không thông qua đấu giá đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại được giao đất theo quy định tại điểm c là chưa phù hợp.
Đại biểu cho rằng, nên thanh toán đối với các dự án theo hợp đồng BT bằng tiền ngân sách Nhà nước hoặc từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất như thí điểm tại một số tỉnh. Tức là, cùng với thời điểm thực hiện công trình BT, Nhà nước tiến hành đấu giá đất đối với những quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý hoặc Nhà nước quy hoạch ngay khu đất để bán đấu giá thu tiền để thanh toán cho dự án BT.
Tham gia ý kiến, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá, việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, điều này cần dựa trên đánh giá thực tiễn của các địa phương thí điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để đảm bảo có cơ sở vững chắc về hiệu quả, nhất là khi có những thách thức chưa được tổng kết đầy đủ từ việc triển khai PPP trong các lĩnh vực này.
Đại biểu nêu, việc giảm bớt các bước phê duyệt đầu tư có thể rút ngắn thời gian thực hiện nhưng lại có nguy cơ giảm kiểm soát hiệu quả và khả năng tránh rủi ro cho Nhà nước.
Loại hợp đồng BT tại một số địa phương chưa được tổng kết đầy đủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xác định rõ hơn các lợi ích, hạn chế của hợp đồng BT trước khi luật hóa. Đề xuất rõ ràng hơn về việc thanh toán bằng quỹ đất để đảm bảo giá trị thanh toán tương ứng với công trình BT, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, đề nghị làm rõ quy trình xác định giá trị chênh lệch giữa công trình và quỹ đất thanh toán.
Tránh thất thoát ngân sách Nhà nước
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít… thì kêu gọi đầu tư PPP, còn các dự án thuận về giải phóng mặt bằng, lượng xe lưu thông nhiều thì đầu tư từ ngân sách đó rất bất hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP nên không thu hút được nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, hiện nay chưa giải quyết dứt điểm các dự án BOT còn tồn tại ở các địa phương chưa được phép thu phí hoặc chậm thu phí gây khó khăn cho nhà đầu tư, nợ ngân hàng không có khả năng trả, các dự án mới ngân hàng cũng ngần ngại cho vay, sợ giống như các dự án này, nhà đầu tư khó có khả năng thanh toán. Đại biểu đề nghị Nhà nước có quy định cụ thể, rõ ràng để giải quyết dứt điểm các dự án này.
Về lĩnh vực quy mô đầu tư theo phương thức công tư, quy mô tối thiểu trên lĩnh vực quy định này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, các dự án PPP được áp dụng cơ chế chia sẻ % giảm doanh thu có thể dẫn đến rủi ro cho Nhà nước nhiều hơn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án để có hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Về quy định dự án PPP, theo đại biểu Hòa, không phải thực hiện các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước nên đề nghị cân nhắc phải có thẩm định để rõ nguồn vốn, khách quan trong đầu tư và có thời gian thực hiện nhằm hạn chế nhà đầu tư lách luật, kéo dài thời gian để thu phí.
Về hợp đồng BT, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp bày tỏ, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, chưa có thời gian để rút kinh nghiệm thực tế.
Do đó, đại biểu đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra là chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục các loại hợp đồng BT, đảm bảo cho việc không thể xảy ra tiêu cực như thời gian qua, không ít quan chức vướng phải vòng lao lý. Để chuyển giao cho nhà đầu tư bằng tiền, bất động sản nếu chưa tính toán đầy đủ sẽ bị thất thoát tài sản Nhà nước hoặc nhà đầu tư bị thiệt thòi. Tùy theo các dự án thay vì BT, nhà nước đầu tư công hoặc đầu tư PPP sẽ thuận lợi hơn.
Làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu trên, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, BT bằng đất và BT bằng tiền, bản chất trước đây đã cho nhưng sau đó dừng và bây giờ Quốc hội cho 3 tỉnh thực hiện với một phương thức quản lý mới, chặt chẽ hơn để làm sao đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư, không bị thất thoát, minh bạch.
Theo đó, chúng ta phải xác định giá đất đai, phải đấu thầu, cho cơ chế thanh toán bù trừ ngang giá. Sau này nếu giá đất biến động thì định giá lại, nếu thiếu thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đóng đủ bằng giá đất thực tế ở thời điểm đó, nếu thấp hơn thì Nhà nước trả lại bằng tiền…
“Chúng tôi đang thiết kế cơ chế vẫn có thể thực hiện được theo hướng này chứ không phải chỉ bằng tiền, nếu đấu giá được bằng tiền thì tốt nhưng có những trường hợp không phải bằng tiền mà bằng đất để còn có công trình trên đất nữa”, Bộ trưởng cho hay.
Về BT chuyển tiếp, Bộ trưởng Dũng nhận định, đây là một vấn đề rất phức tạp. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ có 160 dự án thực hiện theo hợp đồng BT với giá trị khoảng 59.000 tỷ đồng, thực tế còn nhiều hơn.
“Chúng tôi sẽ tổng hợp rà soát trên cả nước, phân loại thành các nhóm và có hướng xử lý cho từng nhóm. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp ngay cho thu ngân sách và cho tăng trưởng kinh tế, giúp được rất nhiều doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.