Một thời khi nhắc đến Intel và Boeing, người ta liên tưởng ngay đến những nhà sản xuất được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ. Thế nhưng ở thời điểm này, mọi chuyện không còn như vậy. Intel tạm dừng chia cổ tức, cắt giảm nhân sự và chi phí, đồng thời có nguy cơ bị thâu tóm. Trong khi Boeing liên tiếp gặp phải các tai nạn, sự cố trên không, dẫn đến các cuộc điều tra và giám sát gắt gao khiến sản xuất trì trệ. Tình hình tệ đến mức đã có người nghĩ đến chuyện công ty này bị chia tách hoặc phá sản.
Trong 5 năm qua, giá trị thị trường tổng hợp của hai công ty này giảm một nửa. Đây không chỉ là thách thức với các cổ đông, mà còn là một thảm họa tiềm tàng của nước Mỹ.
Mỹ đang tham gia cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Cuộc chiến này không chỉ cần sức mạnh quân sự, mà còn cả năng lực kinh tế và công nghệ. Các nhà lãnh đạo của hai đảng chính trị chủ chốt của Mỹ đều tuyên bố chú trọng đặc biệt đến vấn đề này bằng các khoản trợ cấp.
Mặc dù những biện pháp hỗ trợ có hiệu quả, thế nhưng chúng vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi mà Boeing và Intel nói riêng, cũng như toàn nước Mỹ nói chung đang mắc phải. Đó là Mỹ vẫn tạo ra những sản phẩm sáng tạo nhất thế giới, nhưng dần không còn khả năng sản xuất chúng. Cuối năm 1999, 4 trên 10 công ty giá trị nhất nước Mỹ là các nhà sản xuất. Còn bây giờ top 10 chẳng có ai, chỉ có Tesla ở vị trí 11.
Intel và Boeing từng là tiêu chuẩn vàng trong việc sản xuất các sản phẩm đột phá với chất lượng cao. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã khác xưa. Hai công ty này thất bại không phải vì cạnh tranh từ nước ngoài, mà vì những sai lầm bên trong. Văn hóa của họ chuyển hướng sang ưu tiên hiệu suất tài chính hơn là xuất sắc trong kỹ thuật. Đây là một điều rất nguy hiểm, bởi nó từng là nguyên nhân khiến đế chế sản xuất General Electric sụp đổ.
Intel bỏ lỡ cơ hội sản xuất chip cho chiếc iPhone đầu tiên của Apple vì nghĩ rằng chuyện này không đủ lợi nhuận. Họ cũng chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và tụt hậu trong giai đoạn bùng nổ của trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Boeing nghĩ rằng việc tăng hiệu suất động cơ cho mẫu 737 đang bán chạy nhất của mình bằng phần mềm sẽ giúp họ sản xuất máy bay nhanh hơn, rẻ hơn thay vì phải thiết kế lại hoặc thay thế hoàn toàn. Kết quả cho quyết định này là hai vụ tai nạn chết người. Đồng thời việc thuê ngoài chuỗi cung ứng và sự ra đi của nhiều thợ máy lành nghề trong đại dịch đã khiến Boeing đối mặt với các vấn đề về chất lượng và tiến độ.
Vì là vấn đề do họ gây ra, nên các cổ đông có thể để hai doanh nghiệp này tự đối diện với số phận của mình.
Tuy nhiên với chính phủ Mỹ, câu trả lời là không thể bỏ mặc. Phần mềm và thiết bị của những công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Microsoft, Apple và Nvidia đang phụ thuộc rất lớn vào vi mạch do Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất. Nếu Trung Quốc thống nhất Đài Loan trong những năm tới, toàn bộ ngành công nghệ Mỹ sẽ nằm trong tay Trung Quốc.
Tuy TSMC đang xây dựng các nhà máy tại Mỹ với khoản hỗ trợ 6,6 tỷ USD từ chính phủ, thế nhưng vẫn phải mất rất nhiều năm để các công ty công nghệ Mỹ không phụ thuộc vào Đài Loan. Đó là trong trường hợp TSMC xây dựng nhà máy thành công.
Trong bối cảnh ấy, Intel là công ty Mỹ duy nhất có khả năng cạnh tranh với TSMC. Thế nhưng họ đang gặp khó khăn trong điều này.
Còn câu chuyện của Boeing. Nếu không có Boeing, lĩnh vực sản xuất, cung cấp máy bay thương mại sẽ rơi vào tay Airbus (EU) và Comac (Trung Quốc). Hiện nay Comac vừa ra mắt mẫu máy bay C919, đối thủ của Boeing 737 và Airbus A320.
Nói một cách đơn giản hơn, nếu Intel hay Boeing sụp đổ, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Mỹ. Mỗi công ty đều có hệ sinh thái nhiều lớp gồm nhà thiết kế, nhân viên, quản lý, nhà cung cấp. Nếu đem hệ sinh thái này ra nước ngoài, có khả năng nó sẽ không bao giờ quay lại.
Về phía chính phủ Mỹ, họ cũng không thể ngó lơ những khó khăn mà Boeing hay Intel đang gặp phải. Bởi vì an ninh quốc gia đòi hỏi họ phải nắm bắt tinh hoa trong mảng sản xuất máy bay và chất bán dẫn.
Các quốc gia và khu vực khác cũng đầu tư rất mạnh vào hai lĩnh vực này. Chẳng hạn EU đã trợ cấp rất nhiều cho Airbus. Còn Trung Quốc đang đầu tư số tiền không giới hạn nhằm thống trị các ngành công nghệ quan trọng. Chẳng hạn tính đến năm 2020, họ đầu tư khoảng 100 tỷ USD vào chất bán dẫn và 72 tỷ USD cho Comac.
Trong khi đó ở Mỹ, cả hai chính đảng đều đồng tình rằng cần hỗ trợ cho ngành sản xuất. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là hỗ trợ cho loại sản xuất nào và hỗ trợ thế nào?
Mục tiêu của chiến lược ưu tiên sản xuất không chỉ là tạo ra việc làm, mà còn là sản xuất các sản phẩm tốt trên toàn thế giới. Vậy nên Mỹ có thể hỗ trợ bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất tốt nhất thế giới mở nhà máy ở Mỹ, từ đó buộc doanh nghiệp Mỹ phải nâng cao năng lực và nuôi dưỡng lực lượng lao động và mạng lưới nhà cung cấp để phục vụ các công ty này. Và thực sự Mỹ đang làm như vậy, khi Đạo luật CHIPS của họ đang khuyến khích TSMC và Samsung xây dựng nhà máy tại quốc gia này, từ đó gián tiếp giúp cho các công ty trong nước như Intel, GlobalFoundries và Micron.
Đồng thời, muốn sản xuất tốt cũng phải có đóng góp từ phía lãnh đạo và cổ đông doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên học hỏi tinh thần ưu tiên phát triển sản phẩm hơn là lợi nhuận.