>>> Có cơ sở tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%
Xét về động lực tăng trưởng, Việt Nam vẫn đang chủ yếu có đóng góp cho tăng trưởng từ các động lực truyền thống bên cạnh các động lực tăng trưởng mới.
Đối với đầu tư, mặc dù 6 tháng đầu 2024, giải ngân đầu tư công mới chỉ ước đạt 28% kế hoạch, nhiều chuyên gia tin rằng với nỗ lực, với quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, kỳ vọng có thể đạt được tương đương như 2023 (giải ngân trên 95%). Bên cạnh đó, rất cần sự chú trọng để tăng thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,8% cùng kỳ 6 tháng 2023, phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước trong nửa đầu năm 2024 phục hồi rõ nét ở nhiều ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho thu hút và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 6 đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.
Tuy vậy, lưu ý rằng vốn đầu tư tư nhân vẫn gặp rào cản về tiếp cận tín dụng khi áp lực nợ xấu gia tăng, doanh nghiệp cạn tài sản để thế chấp nhằm đảm bảo khoản vay. Đặc biệt, khối bất động sản, năng lượng vẫn còn áp lực cao với kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong các nhóm giải pháp để ổn định thị trường TPDN, Bộ Tài chính cho biết có giải giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS và theo dõi thanh toán TPDN đến hạn.
>>> Triển vọng tăng trưởng GDP
Đối với câu chuyện FDI, chúng ta đang có rất nhiều triển vọng. Ở phía thách thức, ưu đãi FDI cũng đang đặt ra những vấn đề. Điều đó thể hiện rõ tại tờ trình dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi Bộ này thống kê, các tập đoàn nước ngoài như Intel, LG,… đến Việt Nam khảo sát đầu tư, nhưng rồi lại quyết định rót tiền đầu tư các dự án tỷ USD tại quốc gia khác. Nguyên do là các quốc gia khác đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.
“Có thể thấy các doanh nghiệp FDI lớn đòi hỏi ưu đãi bây giờ phải là tiền tươi thóc thật chứ không chỉ giảm/miễn thuế. Nhất là khi thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng”, PSG.TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, nhận xét.
Ở khu vực xuất khẩu, với PMI tăng mạnh tại tháng 6/2024 (54,7 điểm) phản ánh sức sống sản xuất; nhiều lĩnh vực ngành hàng khởi sắc với lượng đơn hàng tăng cao, các chuyên gia lưu ý thách thức từ thị trường bên ngoài với các rủi ro biến động khó lường; cũng như nội tại bên trong với mục tiêu cần ưu tiên là sự ổn định tỷ giá lẫn giữ lãi suất thấp.
Vốn và lãi suất cũng là yếu tố nằm trong mục đầu phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp, theo điều tra doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA). Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA kiến nghị, các NHTM chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giảm lãi vay dù lãi suất huy động trên thị trường đang tăng lên, tiếp tục cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây, tiết giảm chi phí hoạt động, hạ thấp biên lợi nhuận định mức để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn…
Mục tiêu cao, thách thức lớn. Song trong kịch bản cơ sở tăng trưởng cả năm đạt 6,5% – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Từ bệ phóng khả thi, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến kỳ vọng với nỗ lực phấn đấu cao hơn, đưa tăng trưởng trở lại 7% – mức toàn dụng lao động của nền kinh tế.
Đánh giá của bạn: