Chi tiết

Kiên nhẫn hơn với rung lắc

(ĐTCK)  Dù thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần qua nhưng xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chưa bị vi phạm. Theo đó, các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần kiên nhẫn hơn với các diễn biến rung lắc mạnh hiện tại.

Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự suy yếu của nhóm công nghệ sau nhịp tăng dài trước đó, được cho là bị ảnh hưởng bởi các báo cáo cho thấy Mỹ đang xem xét thắt chặt các hạn chế thương mại đối với các công ty xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc. Theo đó, chỉ số S&P500 và Nasdaq Composite – hai chỉ số thiên về công nghệ – đều ghi nhận giảm điểm.

Trong khi đó, dòng tiền ghi nhận sự chuyển dịch sang nhiều ngành khác nhau, giúp chỉ số Dow Jones thiết lập đỉnh mới trong tuần và ghi nhận một tuần tăng điểm, dù áp lực chốt lời xuất hiện vào cuối tuần. Nhìn chung, áp lực chốt lời diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đã duy trì vùng đỉnh lịch sử mới trong 7 tháng là điều không mới và sẽ cần thêm thời gian để tích lũy, chờ đợi các thông tin mới, đặc biệt liên quan đến kết quả kinh doanh quý II/2024 và xu hướng hai quý cuối năm.

Về dữ liệu vĩ mô của Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 6 không thay đổi so với tháng 5, vượt quá dự đoán về mức giảm 0,2%. Doanh số bán lẻ tháng 5 cũng được điều chỉnh cao hơn, lên mức tăng 0,3% so với tháng 4. Doanh số bán ô tô đã giảm trong tháng 6, đúng như dự đoán, do một cuộc tấn công mạng làm gián đoạn hoạt động của nhiều đại lý. Kết quả này phản ánh khả năng phục hồi nhu cầu tiêu dùng nói chung khi thu nhập của người dân ổn định và lạm phát hạ nhiệt nhanh củng cố niềm tin tiêu dùng.

Các thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận diễn biến trái chiều trong tuần qua. Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đều ghi nhận tăng điểm nhờ số liệu xuất khẩu mạnh mẽ, bù đắp lo ngại về áp lực giảm phát. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận diễn biến giảm điểm trong tuần sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, trong tháng 6 của Nhật Bản tăng 2,6% so với một năm trước đó, sau mức tăng 2,5% trong tháng 5, phản ánh việc Chính phủ nước này chấm dứt trợ cấp cho điện và khí đốt được áp dụng vào đầu năm 2023. Điều này phù hợp với việc BOJ dần tháo gỡ các biện pháp hỗ trợ kinh tế và thiết lập lại chính sách tiền tệ mới khi nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định sau một thời gian rất dài đối mặt với áp lực giảm phát.

Về diễn biến các loại tài sản, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tiếp tục sụt giảm ở các kỳ hạn. Trong đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tiếp tục nằm trong xu hướng giảm và chỉ còn 4,2%/năm. Thị trường trái phiếu đang định giá hai lần cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay và hơn 60% khả năng xảy ra lần cắt giảm lãi suất thứ ba vào tháng 12.

Giá dầu ghi nhận sự vận động ổn định trong tuần qua, với giá dầu thô Brent duy trì ở mức 84 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Middle ở mức gần 82 USD. Nhìn chung, giá dầu đang ghi nhận những vận động ổn định và được hỗ trợ bởi sự cân bằng cung – cầu cũng như sự suy yếu của đồng USD trong thời gian gần đây.

VN-index Rung lắc trong tuần đáo hạn phái sinh

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến rung lắc và điều chỉnh mạnh hơn trong các phiên giao dịch tuần qua. Khép lại tuần, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 15,97 điểm (-1,25%) so với tuần trước, đóng cửa ở mức 1.264,78 điểm.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, vận động VN-Index trong tuần qua tiếp tục ghi nhận tuần thứ hai điều chỉnh liên tiếp. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh tuần đáo hạn phái sinh của hợp đồng phái sinh tháng 7 và vận động này được đánh giá là không lạ tại những thời điểm này. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng ghi nhận cải thiện mạnh hơn so với tuần trước, cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Dù vậy, lực cầu bắt đáy tại những vùng giá thấp vẫn liên tục được ghi nhận, điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý tận dụng bối cảnh đáo hạn phái sinh và các pha rung giật có yếu tố chu kỳ của thị trường phái sinh để tối ưu điểm giải ngân trên thị trường cơ sở.

Điểm tích cực đối với vận động của VN-Index trong tuần qua là, dù ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm đã không thể duy trì nhưng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn rất mạnh ở quanh vùng 1.250 điểm chưa có dấu hiệu bị vi phạm. Theo đó, xu hướng vận động trong biên độ 1.250 – 1.300 điểm vẫn được tiếp diễn. Trong kịch bản tích cực, thị trường sẽ sớm tích lũy trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm trong tuần tới và kỳ vọng bứt phá ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm trong thời gian tới.

Các chỉ báo định lượng ghi nhận có dấu hiệu thu hẹp của dòng tiền trên cả ba nhóm cổ phiếu, được thể hiện thông qua số lượng cổ phiếu ở trạng thái tích cực đang ngày càng giảm xuống. Áp lực chốt lời ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là rất rõ ràng sau nhịp tăng mạnh mẽ kéo dài suốt thời gian qua. Tuy vậy, sự hồi phục trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua lại là một tín hiệu đáng chú ý, đặc biệt là khi thị trường cần những bứt phá mạnh có tính thuyết phục với độ tin cậy cao.

Bên cạnh đó, yếu tố liên thị trường quốc tế cũng đang dịch chuyển chậm với sự lắng xuống của chỉ số DXY và kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay của Fed đang lớn dần. Cùng với đó, những cập nhật báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp trong nước trong thời gian này sẽ đem lại những góc nhìn thực chất hơn về các cổ phiếu cho ít nhất là từ nay đến cuối năm 2024. Trong bối cảnh đó, sự phân hóa có thể diễn ra mạnh nhưng cơ hội đầu tư sẽ được củng cố vững chắc hơn, niềm tin sẽ giúp nhà đầu tư chọn lựa và nắm giữ lâu hơn khi doanh nghiệp được chọn có nền tảng cơ bản vững vàng và điểm giải ngân thuận lợi cùng xu thế hồi phục chung của thị trường.

Nhìn chung, dù thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần qua nhưng xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm. Theo đó, các vị thế ngắn hạn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần kiên nhẫn hơn với các diễn biến rung lắc mạnh hiện tại. Các nhịp hồi phục được đánh giá là thời điểm phù hợp cho các hoạt động cơ cấu lại danh mục ngắn hạn. Vị thế mua cho tầm nhìn trung và dài hạn tiếp tục được khuyến nghị canh các nhịp điều chỉnh mạnh để gia tăng tích lũy cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực xuất khẩu, bán lẻ, dầu khí, ngân hàng, dệt may, hóa chất…


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/kien-nhan-hon-voi-rung-lac-post349811.html