Chi tiết

Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội hơn 15 tỷ USD tăng 12,3%

Xuất khẩu hàng hoá Hà Nội bứt phá, tăng 12,3% so cùng kỳ. Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Theo UBND TP. Hà Nội, việc thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài đến năm 2023” đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thành phố Hà Nội.

Trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 15,467 tỷ USD USD, tăng 12,3% so với năm 2023. Khu vực kinh tế trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 9,035 tỷ USD, tương đương 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Trong số 11 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội, có 9 nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với năm trước. Điển hình là hàng nông sản đạt 1,263 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng may, dệt đạt 1,879 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng kim ngạch, tăng 8,3%. Thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh đạt 253 triệu USD, chiếm 1,6%, tăng 30,9%…

Về thị trường trọng điểm, ASEAN đạt 2,676 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với năm 2023. Hoa Kỳ đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 18,1%, tăng 23,2%. EU đạt 1,779 tỷ USD, chiếm 11,5%, tăng 19,6%. Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 9,7%, tăng 4,7%. Nhật Bản đạt 1,423 tỷ triệu USD, chiếm 9,2%, tăng 2,3%…

Thành phố cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thị trường, hướng dẫn các quy định xuất, nhập khẩu hàng hoá đi các nước Việt Nam ký kết FTA. Khoảng 1.600 người sản xuất, kinh doanh được tập huấn về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của nhà phân phối nước ngoài. Đặc biệt, thành phố phát triển 159 chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn; xây dựng hơn 40 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ; hỗ trợ 58 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn… Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội đã cấp tài khoản quản lý cho 3.533 cơ sở sản xuất…

Cùng với đó, thành phố kết nối, phát triển chuỗi nguyên liệu từ các tỉnh với doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; tổ chức hoạt động giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát triển hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài…



Nguồn