Kinh doanh săm lốp nhưng lãi của một doanh nghiệp tăng 1,700% nhờ bất động sản
CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) báo lãi ròng quý 2/2024 cao kỷ lục, gần 114 tỷ đồng, gấp 18.5 lần cùng kỳ. Kết quả này giúp doanh nghiệp kinh doanh săm lốp vượt kế hoạch 182% dù mới qua nửa năm.
Kết quả kinh doanh hàng quý của SRC từ năm 2020 | ||
|
Doanh thu quý 2 của SRC đạt 328 tỷ đồng, tăng 19%. Dù chưa phải kỷ lục nhưng số này đang cao hơn mức trung bình 15 năm qua, phần lớn dưới 300 tỷ đồng; chỉ thấp hơn 488 tỷ đồng của quý 4/2023 và 711 tỷ đồng quý 4/2020.
Giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng theo nhưng không nhiều, giúp SRC ghi nhận lãi từ hoạt động kinh doanh gấp đôi cùng kỳ, gần 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp lãi ròng kỷ lục gần 114 tỷ đồng, tăng 1750% so với quý 2/2023, do trong kỳ thực hiện chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất, ghi nhận 306 tỷ đồng vào thu nhập khác. Sau khi trừ chi phí, Công ty báo lãi ngoài hoạt động kinh doanh đến 162 tỷ đồng.
Dù không nêu cụ thể nhưng khả năng đây là bất động sản 212 ngàn m2 tại khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Năm 2016, SRC thuê lại từ Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam khu đất trên trong 40 năm để thực hiện dự án di dời và sản xuất lốp radial tại khu công nghiệp này. Nhưng năm 2020, lãnh đạo Công ty quyết định dừng triển khai và cho thuê lại.
Hai đơn vị thuê là CTCP Casla và CTCP Casablanca Việt Nam, lần lượt thuê 102,538m2 và 110,000m2. Giá chuyển nhượng 2 hợp đồng hơn 1.4 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 303 tỷ đồng – đúng bằng số tiền SRC ghi nhận.
* Một doanh nghiệp Cao su chuyển nhượng hơn 21ha đất KCN, thu gần 304 tỷ đồng
Lũy kế 6 tháng, SRC lãi ròng 117 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ, vượt 182% mục tiêu lợi nhuận năm. Còn doanh thu 503 tỷ đồng, cải thiện 5%, nhưng mới đi được 25% chặng đường.
Miền Bắc tiếp tục là nơi đóng góp tỷ trọng lớn vào hoạt động kinh doanh của Công ty, 327 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu. Theo sau là xuất khẩu, đạt 82 tỷ đồng. Miền Trung và miền Nam lần lượt mang về 53 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Nguồn: Vietstock Finance
|
Tổng tài sản cuối kỳ của Doanh nghiệp khoảng 1.1 ngàn tỷ đồng, thu hẹp 15%. Biến động đáng kể là phải thu ngắn hạn từ khách hàng CTCP Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt giảm 211 tỷ đồng, còn nợ 45 tỷ đồng. SRC tăng ký cược, ký quỹ thêm 92 tỷ đồng nhưng không thuyết minh cụ thể. Sau khi cho thuê lại bất động sản, khoản trả trước dài hạn 141 tỷ đồng nay không còn.
Báo cáo cũng cho thấy SRC thu 300 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác, nhưng chi đến 63 tỷ đồng thuế TNDN. Tiền thu được nhiều khả năng ưu tiên trả nợ gốc vay, khoản trả nợ gốc vay kỳ này hơn gấp đôi cùng kỳ lên 594 tỷ đồng.
Nợ vay dài hạn theo đó giảm 130 tỷ đồng, còn 2.6 tỷ đồng, sau khi tất toán khoản vay từ CTCP Tập đoàn Hoành Sơn – cổ đông lớn của SRC (nắm 50.21% vốn) – cho vay để góp vốn điều lệ vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn nhưng không cần trả lãi cũng như tài sản đảm bảo. Thời hạn vay được điều chỉnh theo lộ trình thoái vốn của SRC tại Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn. Nợ vay ngắn hạn còn 164 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu năm.
Công ty liên tục cắt giảm nhân sự trong 1.5 năm qua. Tính đến cuối tháng 6/2024 còn 755 người, giảm 12 người trong vòng 6 tháng. Con số đầu năm 2023 là 800 người.
Năm 2024, SRC hướng đến sản xuất 5 triệu lốp xe đạp, 4.5 triệu săm xe đạp, 1.5 triệu lốp xe máy, 5.5 triệu săm xe máy, 216 ngàn lốp ô tô, 210 săm ô tô và 110 ngàn yếm ô tô. Kế hoạch cao hơn từ 12-40% so với thực hiện năm trước.
Lãnh đạo Công ty đánh giá xu hướng chuyển đổi lốp ô tô từ bias sang radial là một trong những khó khăn do SRC chưa sản xuất được dòng sản phẩm này, cũng như đã sản xuất được lốp không săm nhưng chủng loại chưa đa dạng để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường. SRC cũng chưa được cấp chứng nhận chất lượng GSO, tạo rào cản kỹ thuật làm giảm sản lượng xuất khẩu.