(ĐTCK) Bộ Tài chính đang dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, trong đó có nhiều nội dung chế tài các hành vi thao túng chứng khoán, giao dịch nội gián…
Thao túng thị trường và tác động
Hiểu một cách đơn giản, thao túng thị trường là một nỗ lực có chủ đích nhằm lừa dối và lừa gạt các nhà đầu tư bằng cách tác động giả tạo đến cung hoặc cầu đối với một chứng khoán và khiến giá của nó tăng hoặc giảm. Những người sắp xếp các biến động giá nhân tạo sau đó thu lợi từ chúng với chi phí của các nhà đầu tư khác.
Trong pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia có quy định cụ thể về hành vi này. Theo Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ, thao túng thị trường là bất kỳ sự can thiệp nào trong cơ chế thị trường, ngăn cản việc xác định giá hợp lý, cũng như bất kỳ yếu tố nào có thể tác động đến cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu trở nên giả tạo. Thao túng thị trường thường đề cập đến các hoạt động có thể gây trở ngại cho cung – cầu cổ phiếu, tạo ra giá giả cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và lừa dối người tham gia thị trường.
Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính |
Tại Chỉ thị 2003/6/EC ngày 28/1/2003 của Nghị viện Hội đồng châu Âu về giao dịch nội gián và thao túng thị trường có quy định, thao túng thị trường có nghĩa là: (i) Các giao dịch hoặc lệnh giao dịch đưa ra hoặc có khả năng đưa ra các tín hiệu sai lệch hoặc gây hiểu nhầm về cung – cầu hoặc giá; hoặc được thực hiện bởi một hoặc một số người phối hợp giao dịch làm cho giá ở mức bất thường hoặc giả tạo, trừ khi họ đưa ra lý do thực hiện giao dịch như vậy là hợp pháp hoặc phù hợp với thông lệ thị trường; (ii) Các giao dịch sử dụng các thiết bị hư cấu hoặc bất kỳ hình thức lừa dối hoặc có liên quan nào khác; (iii) Phổ biến thông tin (bao gồm cả tin đồn và sai sự thật) qua phương tiện thông tin đại chúng, Internet hoặc bất kỳ các phương tiện thông tin nào khác mang lại hoặc có khả năng đưa ra các tín hiệu sai lệch hoặc gây hiểu nhầm.
Tại Việt Nam, hành vi thao túng thị trường được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi: (i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (ii) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; (iii) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; (iv) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; (v) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; (vi) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Như vậy, từ các quy định về thao túng chứng khoán, có thể hiểu thao túng giá trên thị trường chứng khoán là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật khác có liên quan; đây là các hành vi gian lận nhằm ngăn cản việc xác định giá thực tế trên thị trường chứng khoán, tạo cung – cầu giả, ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức và thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi trái pháp luật.
Trong lĩnh vực chứng khoán, niềm tin và sự minh bạch là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhiều quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Các hành vi thao túng gây mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, đồng thời tạo ra thiệt hại về mặt tài chính cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến tính bền vững, ổn định của thị trường chứng khoán.
Trên thế giới, một số vụ thao túng thị trường chứng khoán những năm gần đây được nhắc đến như vụ việc tại công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản là SMBC Nikko Securities năm 2019 – 2020, vụ việc tại công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop tại Mỹ năm 2021. Năm 2018, ông chủ hãng xe điện Tesla là Elon Musk đối mặt với vụ kiện “thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư”.
Tại Việt Nam, một số hành vi thao túng thị trường đã bị phát hiện và xử lý, trong đó tiêu biểu là hành vi thao túng của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC. Đây là một trong những hành vi gây thiệt hại lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Với hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không báo cáo theo quy định hồi tháng 1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo người thân trong gia đình và một số người khác mượn chứng minh thư nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC. Những cá nhân đó thông đồng với nhau, liên tục mua, bán cổ phiếu FLC với tần suất lớn nhằm tạo cung cầu giả để đẩy giá lên cao. Giá cổ phiếu FLC đã tăng hơn 64% và có những phiên tăng trần. Sau khi giá lên cao, vị cựu Chủ tịch FLC đã bán ra 74,8 triệu cổ phiếu, thu về gần 1.700 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.
Một thực tế là sau mỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có hàng nghìn nhà đầu tư bị thiệt hại, bao gồm thiệt hại về tài chính và cả thiệt hại về niềm tin và thị trường. Trong vụ án thao túng cổ phiếu FLC, tòa án đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư được xác định là bên bị hại trong vụ án.
Kinh nghiệm quốc tế đối với hành vi thao túng
Trên thế giới, việc quy định xử lý hành vi vi phạm đối với hành vi thao túng thị trường xoay quanh 3 hình thức trách nhiệm pháp lý chính là: hình sự, hành chính và dân sự (bồi thường thiệt hại) như pháp luật Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, do việc thực thi quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với giao dịch mang tính đại chúng này thiếu khả thi nên ngoại lệ pháp luật chứng khoán của một số quốc gia khác (Singapore, Thái Lan…) không quy định loại trách nhiệm này, mà chỉ tập trung xây dựng hình thức trách nhiệm hình sự và phạt dân sự (hành chính). Ngoài ra, các hình thức bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh, tước chứng chỉ hành nghề và các chế tài hành chính bổ sung như tịch thu/buộc hoàn trả/nộp lại số tiền thu lợi bất chính, đình chỉ hành nghề cũng được ghi nhận trong pháp luật ở một số quốc gia.
Về xử lý hình sự, hình thức này được quy định tại hầu hết pháp luật của các quốc gia là phạt tù và phạt tiền.
Đối với hình thức phạt tù, phạt tù có thời hạn là phổ biến với mức tối đa đến 7 năm tù như Điều 204 (1) Đạo luật về chứng khoán và hợp đồng tương lai năm 2001 của Singapore) hoặc đến 10 năm tù như Điều 10 (b) – 5 Đạo luật Giao dịch chứng khoán Mỹ năm 1934, Điều 197 Bộ luật Hình sự Trung Quốc, Điều 397 (3) Luật Thị trường và dịch vụ tài chính của Anh, Điều 207 (2) Luật Chứng khoán và hối đoái của Hàn Quốc (người phạm tội có thể bị phạt tù chung thân trong trường hợp số tiền lãi hoặc lỗ do hành vi phạm tội từ 5 tỷ Won trở lên).
Đối với hình thức phạt tiền, Singapore quy định mức phạt tiền tối đa là 250.000 đô la Singapore (Điều 204) – khoảng 4,3 tỷ đồng Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) quy định mức phạt tiền tối đa là 10 triệu đô la Hồng Kông – khoảng 3,1 tỷ đồng, Hàn Quốc quy định mức phạt tiền không quá 20 triệu Won (Điều 207) – khoảng 390 triệu đồng, Nhật Bản quy định mức phạt tiền không quá 30 triệu Yên (Điều 197) – khoảng 5,3 tỷ đồng. Tại Việt Nam, mức phạt tiền không quá 4 tỷ đồng với cá nhân và 10 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại.
Về xử lý hành chính, Điều 232 (2, 3) Đạo luật về chứng khoán và hợp đồng tương lai năm 2001 của Singapore quy định, mức phạt tối đa 3 lần khoản thu lợi được hoặc khoản lỗ tránh được từ hành vi vi phạm, hoặc tối đa 2 triệu đô la Singapore nhưng không được ít hơn 100.000 đô la Singapore (khoảng 1,8 tỷ đồng) đối với doanh nghiệp và 50.000 đô la Singapore (khoảng 900 triệu đồng) đối với cá nhân. Cách thức phạt này giống với cấu trúc phạt của Việt Nam về chế tài.
Về bồi thường thiệt hại, Điều 188-5 Luật Chứng khoán và Hối đoái của Hàn Quốc và Điều 160 Đạo luật Công cụ tài chính và hối đoái của Nhật Bản có những quy định về bồi thường thiệt hại khá tương đồng nhau về trách nhiệm bồi thường của đối tượng thao túng thị trường gây ra và thời hiệu thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là 3 năm. Thời điểm tính thời hiệu là sau khi hành vi vi phạm xảy ra hoặc 1 năm sau khi được thông báo về hành vi vi phạm.
Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, xử lý hành vi thao túng giá trên thị trường luôn có cả trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự và xử lý vi phạm hành chính.
Trong đó, trách nhiệm dân sự thường được tách riêng khỏi trách nhiệm hình sự. Việc này là cần thiết để đảm bảo phù hợp với mức độ nghiêm trọng của hành vi. Bên cạnh đó, đối với hành vi thao túng thị trường, ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường.
Thao túng thị trường được xác định là hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, đặc biệt là lòng tin của nhà đầu tư, yếu tố quyết định đến tính bền vững nên các hình thức xử phạt được thiết kế rất nghiêm khắc, việc phạt tiền thường là gấp nhiều lần so với tiền bất chính thu được (ngoài việc nộp lại số tiền thu được từ hành vi vi phạm). Các hình thức cấm tham gia thị trường trong một khoảng thời gian cũng được đưa ra, thậm chí có thể là cấm vĩnh viễn việc tham gia thị trường. Xử lý hình sự cũng được áp dụng với các khung hình phạt cụ thể, bao gồm phạt tù, cải tạo không giam giữ, án treo…
Thứ hai, các hình phạt hướng tới tính răn đe. Việc cá nhân, tổ chức bị phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm với hình thức xử lý hình sự, dân sự, hành chính. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm, thậm chí là tù chung thân với những vi phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các hình thức phạt bổ sung cũng được tiến hành như cấm tham gia điều hành, hoạt động chuyên môn liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc cấm được quy định trong một thời gian nhất định, thậm chí có những hành vi sẽ bị cấm vĩnh viễn khi mức độ vi phạm là nghiêm trọng.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/xu-ly-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-can-manh-tay-post353294.html