Chi tiết

Kinh tế châu Á dễ tổn thương hơn trước căng thẳng địa chính trị

untitled.jpg
Châu Á rất dễ bị tổn thương trước hậu quả từ sự tấn công của chủ nghĩa bảo hộ. Ảnh: SCMP

Khi ông Donald Trump tiến gần hơn đến ngày nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, các ngân hàng Phố Wall đang tranh luận về những tác động của thuế quan bổ sung đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Một trong những nhận định có sự đồng thuận cao là Châu Á rất dễ bị tổn thương trước hậu quả từ sự tấn công của chủ nghĩa bảo hộ.
Do ông Trump được cho là người ám ảnh với cán cân thương mại song phương, nên các nền kinh tế Châu Á có nguy cơ bị áp thuế cao. Theo Morgan Stanley, 7 trong số 10 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ nằm ở Châu Á.

Hơn nữa, các nền kinh tế Châu Á phụ thuộc nhiều vào thương mại với tỷ lệ xuất khẩu chiếm từ 37 đến 85% tổng sản phẩm kinh tế ở Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia, và nhạy cảm hơn với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

Nhiều ngân hàng đang sử dụng tác động của căng thẳng thương mại năm 2018-2019 làm khuôn mẫu về cách các quốc gia khác ở châu Á có thể chịu ảnh hưởng nếu ông Trump thực hiện các mức thuế bổ sung mà ông đe dọa áp đặt lên Trung Quốc.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế và tài chính ngày nay khác biệt rõ rệt so với năm 2018. Lạm phát và lãi suất cao hơn đặt ra thách thức lớn hơn đối với chương trình nghị sự chính sách của ông Trump nhưng cũng khuếch đại rủi ro cho nền kinh tế và thị trường toàn cầu. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình thế bấp bênh hơn nhiều, cả về mặt chu kỳ cũng như cấu trúc.

Một số yếu tố khác đang làm tăng tính dễ bị tổn thương của châu Á trước các cú sốc bên ngoài. Ông Nicholas Spiro, chuyên gia về các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi nhận định, đầu tiên, hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia châu Á vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch.

Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu của châu Á sang Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2018, một phần là do sự gia tăng xuất khẩu công nghệ. Theo Dữ liệu từ Morgan Stanley, thặng dư thương mại của châu Á không bao gồm Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi kể từ tháng 9/2019 lên 400 tỷ USD.

Chuyên gia này cho rằng, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu của châu Á sang Trung Quốc đã giảm, nhiều nền kinh tế đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, một phần là do tác động chuyển hướng thương mại bắt nguồn từ cuộc xung đột năm 2018.

Các chuyên gia từ Nomura lưu ý rằng: “Tỷ trọng giá trị gia tăng từ Trung Quốc trong xuất khẩu của Đông Nam Á đã tăng đáng kể. Nếu Mỹ quyết định siết chặt việc chuyển hướng thương mại của Trung Quốc qua các nước thứ ba, thì những quốc gia có giá trị gia tăng từ Trung Quốc cao hơn trong xuất khẩu sang Mỹ có thể phải đối mặt với các mức thuế bổ sung.”

Ngoài ra, sự gia tăng chi tiêu công do đại dịch gây ra đã làm các nền kinh tế châu Á có ít dư địa tài khoá hơn để xoay xở. Mặc dù có nhiều dư địa hơn cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ, khoảng cách giữa lãi suất ở châu Á và Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp kỷ lục. Điều này khiến các ngân hàng trung ương châu Á khó có thể giảm chi phí vay mà không gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính, đặc biệt là nếu FED trở nên diều hâu hơn vì lo ngại về tác động lạm phát của các chính sách của ông Trump.

untitleda.jpg
Ấn Độ được coi là quốc gia sẽ vượt qua các cú sốc thương mại khác tốt nhất.

Một số nhà phân tích tin rằng các nền kinh tế châu Á có nguồn cầu nội địa mạnh mẽ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Morgan Stanley khuyến nghị các nhà đầu tư hãy hướng đến nhu cầu nội địa trong khu vực. Đây là lý do tại sao Ấn Độ, với thị trường tiêu dùng rộng lớn và phát triển nhanh chóng cùng mức độ phụ thuộc tương đối thấp vào xuất khẩu hàng hóa, được coi là quốc gia sẽ vượt qua các cú sốc thương mại khác tốt nhất.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế và tài chính ở Ấn Độ cũng đã thay đổi. Tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong năm qua, một phần là do các điều khoản tín dụng chặt chẽ hơn. Hơn nữa, lợi nhuận doanh nghiệp đã mất đi phần nào động lực, trong khi lạm phát dai dẳng ở mức cao làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình.

Mặc dù mức tăng trưởng hàng năm 5-6% vẫn là điều đáng mơ ước của hầu hết các nền kinh tế lớn khác, nhưng câu chuyện xung quanh Ấn Độ không còn lạc quan như vài năm trước.

Đáng chú ý, các tín hiệu phục hồi mới ở châu Á đã xuất hiện. Việc bình thường hóa chính sách ở Nhật Bản, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng về giá cả và tiền lương, đang khuyến khích các nhà đầu tư đặt cược vào áp lực lạm phát gia tăng ở quốc gia này.

Ngoài ra, Nomura chỉ ra sự bùng nổ xây dựng trung tâm dữ liệu ở Malaysia và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở Philippines là những ví dụ về “bộ đệm” nhu cầu nội địa.

Trong cuộc khảo sát quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America vào ngày 17/12, kịch bản lạc quan nhất cho năm 2025 sẽ là nền kinh tế Trung Quốc mạnh hơn. Nếu ông Trump cuối cùng trở nên ít diều hâu hơn đối với Trung Quốc và Bắc Kinh đưa ra một gói kích thích táo bạo và hiệu quả hơn, Trung Quốc có thể là quốc gia vượt trội bất ngờ của Châu Á.

Nguồn