Chi tiết

Kinh tế năm 2025 đối diện không ít rủi ro

Ngày 3-1, tại tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp tổ chức, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, cho biết các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% trong năm 2025. Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 đối diện không ít rủi ro, như các biến động của kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại từ Mỹ, các nền kinh tế lớn có thể tạo áp lực lên đà tăng trưởng của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực cho rằng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc thay đổi chính sách thuế quan và mở rộng tài khóa có thể làm tăng lạm phát ở Mỹ và toàn cầu. Từ đó tăng áp lực lên tỉ giá và lãi suất, dịch chuyển vốn đầu tư gián tiếp tại các quốc gia mới nổi, bao gồm Việt Nam. Các chính sách bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại thương toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đối mặt rủi ro “thao túng tiền tệ”, phải giải trình chính sách và có thể bị áp thuế cao hơn. Chính sách kiểm soát nhập cư của ông Trump cũng sẽ tác động đến các hoạt động du lịch và du học của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% – 7% trong năm 2025, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Cần giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh như phá bỏ các quy định và điều kiện không phù hợp với cơ chế thị trường. Cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương để tạo động lực cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Source link