Trong 6 tháng đầu năm, GRDP TP HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ, tốc độ cao nhất kể từ 2020, theo Cục Thống kê thành phố.
Đây là bước cải thiện đáng kể từ sau Covid-19, với tăng trưởng nửa đầu năm 2022 và 2023 chỉ dưới 4%. Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm hơn so với trước dịch, với nửa đầu năm 2019 tăng 7,61%.
Trong 6 tháng qua, thương mại dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tiếp tục giữ tỷ trọng lớn, là lực đỡ cho đầu tàu kinh tế. Trong đó, thương mại dịch vụ chiếm 65,6% cơ cấu, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (7,26%) và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, với 4,34 điểm phần trăm.
Theo Cục Thống kê TP HCM, thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10%.
Công nghiệp và xây dựng chiếm 21% GRDP, đóng góp 1,2 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 5,6%, cao nhất 3 năm qua. Sản xuất cải thiện góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu đạt 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp có tín hiệu rục rịch bơm vốn vào sản xuất kinh doanh. Nửa năm qua, thành phố cấp phép gần 25.250 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 214.716 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và tăng 1% về vốn so với cùng kỳ.
Tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng dư nợ đến 30/6 tăng 10,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng khối doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn thận trọng. Sáu tháng qua, vốn thực hiện của khối này ước hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% vốn đầu tư toàn xã hội của địa phương, giảm 2,2%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục thống kê cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II so với quý I đã có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Dự báo tình hình quý III, có 37% nghĩ rằng sẽ tốt hơn; 41,2% nói giữ ổn định.
Theo cơ quan này, để kinh tế TP HCM tiếp tục phục hồi nửa cuối năm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải phóng nguồn lực; sẵn sàng thực thi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo mục tiêu cả năm trên làn 95% vốn được giao. Tính đến 21/6, giải ngân đầu tư công chỉ mới là 8.195 tỷ đồng, đạt 10,3% so với kế hoạch 2024.
Ngoài ra, với đóng góp của lực của thương mại dịch vụ, TP HCM cần tiếp tục tổ chức kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương các địa phương. Trên môi trường trực tuyến, các cơ quan chức năng đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kinh-te-tp-hcm-6-thang-tang-cao-nhat-5-nam-4764748.html