Chi tiết

Kỷ lục mới của thương mại Việt Nam

Bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, ngành thủy sản tiếp tục đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh.

Xuất nhập khẩu xác lập kỷ lục mới

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiến sát mốc 800 tỷ USD trong những ngày cuối năm 2024, đánh dấu kỷ lục về ngoại thương Việt Nam. Với mức thực hiện tăng hơn 102 tỷ USD so với năm 2023, cán cân thương mại xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với 23 tỷ USD (tính từ năm 2016 đến nay), góp phần đảm bảo cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cho nền kinh tế.

Các nhà cung ứng từ Việt Nam đã xuất bán ra toàn cầu lượng hàng hóa phong phú, từ điện thoại, máy tính, đến hàng dệt may, nông, lâm thủy sản… trị giá 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023.

Sau năm 2023 xuất nhập khẩu tăng trưởng âm, chỉ về đích với 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022, từ đầu năm 2024, các ngành hàng xuất khẩu của nước ta đã đón bắt cơ hội thị trường gia tăng trở lại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn đã đưa chân các nhà nhập khẩu lớn tìm đến Việt Nam – mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu – để đặt hàng.

Đáng lưu ý, các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép và nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ vai trò quan trọng, bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu. Năm 2024, điện tử mang về cho nước ta doanh thu xuất khẩu gần 126 tỷ USD, trong đó, máy tính điện tử và linh kiện năm thứ 2 đứng vị trí top đầu, mang về 71,7 tỷ USD.

Dệt may, da giày đạt xấp xỉ 71 tỷ USD. Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận kỷ lục với gần 63 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%. Sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%…

Kết thúc năm 2024, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

“Xuất khẩu ước đạt hơn 403 tỷ USD, vượt xa mức 354,7 tỷ USD của năm 2023, đạt mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 của ngành công thương.

Tính cả năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 119,7 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2023; xuất khẩu sang EU đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5%.

Mức tăng tưởng nhanh chóng của quy mô thương mại có đóng góp từ sự “trưởng thành” về năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp nội.

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 18,9%, cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng cao hơn so với năm 2023 (28,9% so với 26,9%).

Cùng với đó, hoạt động nhập khẩu được đảm bảo với cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2024 đạt hơn 380 tỷ USD.

Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại sau năm 2023 trì trệ cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp trong các ngành điện tử, dệt may, giày dép đã ký kết được nhiều đơn hàng cho nửa đầu năm 2025.

Quy mô ngành sản xuất trong nước ngày càng lớn nhờ thu hút được lượng vốn FDI “khủng” vào sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa, cùng với mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đã tiếp sức mạnh mẽ cho hoạt động xuất khẩu.

Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp sức cho thương mại

Kết quả tăng trưởng kỷ lục của hoạt động thương mại năm 2024 có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công tác triển khai các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thực thi với trên 60 nền kinh tế, Việt Nam đã khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), đưa tổng số FTA ký kết lên con số 17.

Cần phải nói thêm, CEPA được đàm phán trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ 16 tháng. Việc ký kết thành công CEPA góp phần mở rộng thêm “xa lộ” hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm 2023 và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Năm 2025, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%, tức là kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 48 tỷ USD so với năm 2024.

Các FTA đã và đang tạo “bệ phóng” cho xuất khẩu hàng hóa trong nước. Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường EU đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% so với năm 2023, đạt doanh thu gần 52 tỷ USD. Qua hơn 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hàng Việt được người tiêu dùng châu Âu đón nhận và đánh giá cao, nhất là nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và nông sản.

Quan trọng hơn, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe theo cam kết trong các FTA, doanh nghiệp nội địa phải không ngừng nâng cấp, làm mới, chuyển đổi sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex, chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị và tinh dầu hữu cơ) cho hay: “Các FTA mà Việt Nam đã ký kết mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu quế hồi như Vinasamex”.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, Vinasamex có nhiều thuận lợi, do thuế xuất khẩu giảm, tạo nên lợi thế cạnh tranh, giúp nông sản Việt sang khu vực châu Âu và đặc biệt là thị trường Anh có lợi thế hơn.

“Các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA đều ‘khó tính’, tiêu chuẩn cao. Để tận dụng được cơ hội từ các FTA đã ký, những năm gần đây, Vinasamex tập trung đầu tư mạnh vào chất lượng hàng hóa và nâng giá trị sản phẩm, thay vì số lượng”, bà Huyền nói.

Trăn trở đằng sau những con số

Xuất khẩu đã vượt qua nhiều trở ngại, “về đích” với kết quả ấn tượng, nhưng nếu phân tích kỹ hơn, vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở đằng sau những con số.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 của ngành công thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng thừa nhận: “Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất siêu được tạo bởi khu vực doanh nghiệp FDI, trong khi khối doanh nghiệp trong nước thường xuyên nhập siêu”.

Trong câu chuyện với báo giới, chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), CEO Cao Hữu Hiếu nói rằng, năm 2024, Vinatex về đích với doanh thu và lợi nhuận hơn mong đợi. Doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng gần 3%; lợi nhuận hợp nhất tăng gần 35%, đạt 740 tỷ đồng. Tính chung toàn ngành dệt may, xuất khẩu cán đích gần 44 tỷ USD, nhưng khu vực FDI chiếm trên 65% tổng kim ngạch.

“Xuất khẩu có tăng trưởng, nhưng đa phần nhờ khối FDI, doanh nghiệp Việt quy mô còn nhỏ, tỷ trọng đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành còn hạn chế”, ông Hiếu thẳng thắn nhìn nhận.

Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu còn hạn chế đang là trở ngại khiến việc hưởng ưu đãi trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết bị giới hạn. Trên thực tế, khối doanh nghiệp FDI là những người đang được hưởng các ưu đãi này, nhờ đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào cao, đảm bảo quy tắc xuất xứ theo các FTA… Nếu không nhanh chóng cải thiện, tăng sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, trở ngại sẽ nhiều hơn.

“Sắp tới, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, hàng điện tử, máy móc thiết bị của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch lớn cần hết sức lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại. Lý do là, tuy kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng tỷ trọng tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị vẫn thấp, nguồn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu với khối lượng lớn, nên doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) khuyến nghị.

(Theo Báo Đầu tư)



Nguồn