Chi tiết

Kỳ vọng trước với cổ phiếu thuỷ điện

Các nhà máy thuỷ điện có thể đảm bảo việc phát điện trong cao điểm nắng nóng từ cuối quý II/2024

(ĐTCK) Nhờ lượng nước tích trữ lớn trong những tháng đầu năm và hiện tượng La Nina dự kiến sắp quay trở lại, hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ điện được kỳ vọng sẽ tích cực kể từ cuối quý II/2024.

Dự phòng mùa mưa đến muộn

Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương (mã chứng khoán AVC) cho biết, từ đầu năm 2024, Công ty đã thực hiện việc tích nước hồ chứa nhằm đạt mực nước dâng bình thường. Đồng thời, phối hợp với các chủ hồ thủy điện trên cùng lưu vực thống nhất kế hoạch vận hành các nhà máy thủy điện đầu nguồn và đề ra phương án phối hợp để khai thác tiết kiệm nguồn nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong các hồ thủy điện cho đến cuối mùa khô, dự phòng cả trường hợp mùa mưa đến muộn.

Đến nay, mực nước hồ chứa của Thuỷ điện A Vương đạt 369,5 m, dù vẫn dưới mực nước dâng bình thường 10,5 m, nhưng cao hơn mực nước chết 29,5 m. Doanh nghiệp sẽ vận hành nhà máy, điều tiết hồ chứa đảm bảo nhiệm vụ cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà (mã chứng khoán TBC), cập nhật đến sáng ngày 22/5/2024, mực nước hồ chứa của Công ty là 53,2 m, thấp hơn khoảng 4,8 m so với mực nước dâng bình thường và cao hơn mực nước chết 7,2 m.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Thuỷ điện Thác Bà, lưu lượng nước về hồ Thác Bà năm nay thấp hơn những năm trước. Vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, nhà máy hoạt động cầm chừng bằng cách các tổ máy thay phiên nhau phát điện.

Thông tin từ Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW), Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na và Nhà máy Thuỷ điện Đakđrink đang chào giá vận hành cân đối tối ưu lợi nhuận và sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao, ưu tiên giữ nước cho giai đoạn vận hành mùa nắng nóng hoặc tại các chu kỳ có giá thị trường cao.

Theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán tại hơn 30 nhà máy thuỷ điện trên cả nước, hầu hết các nhà máy đang có mực nước trong hồ chứa tiệm cận hoặc thấp hơn mực nước dâng bình thường. Ngay cả các hồ chứa tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ như của Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (mã chứng khoán DNH), Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã chứng khoán VSH), Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Mơ (mã chứng khoán TMP)…, mực nước vẫn thấp hơn mức bình thường.

Hiện tại, lũ tiểu mãn do các trận mưa đầu mùa gây ra vẫn chưa về. Thông thường, lũ tiểu mãn xuất hiện từ nửa cuối tháng 5, đánh dấu sự bắt đầu của mùa mưa. Điều này giúp các hồ chứa thủy điện tăng mực nước dự trữ sau mùa khô kéo dài, đảm bảo đủ nước để phát điện trong các tháng tiếp theo.

Nước dự trữ từ lũ tiểu mãn rất quan trọng để duy trì hoạt động liên tục của các nhà máy thủy điện, nhất là trong những thời kỳ nhu cầu điện năng tăng cao. Dù lũ chưa về, nhưng với hành động tích nước quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua sẽ giúp các nhà máy thuỷ điện đảm bảo việc phát điện trong cao điểm nắng nóng từ cuối quý II/2024.

Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương yêu cầu, trong thời gian tới, các doanh nghiệp thuỷ điện ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm.

“Ứng trước” tương lai

Với hành động tích nước quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua, các doanh nghiệp thuỷ điện có thể hoạt động tích cực kể từ cuối quý II/2024, bù đắp cho sự suy giảm sản lượng giai đoạn đầu năm.

Theo Cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, hiện tượng El Nino được duy trì, nhưng hiện tượng thủy văn chuyển sang trạng thái trung lập từ tháng 5, sau đó dự kiến sẽ chuyển sang trạng thái La Nina kể từ tháng 8/2024.

Hiện tại, thuỷ điện chưa phải loại hình điện chiếm ưu thế trên thị trường phát điện cạnh tranh, còn điện than vẫn đang làm tốt nhiệm vụ “gánh” năng lượng trên nhiều vùng miền.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 96,16 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thuỷ điện đạt 14,41 tỷ kWh, chiếm 15% sản lượng điện toàn hệ thống và bằng một phần tư so với 56,89 tỷ kWh của điện than – chiếm 59,2% sản lượng điện cả nước.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu thuỷ điện đã được thị trường kỳ vọng trước từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024. Chẳng hạn, cổ phiếu VSH hiện có mức tăng 12% so với đầu tháng 5. Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh – doanh nghiệp đầu tư vào 13 nhà máy thuỷ điện có tổng công suất thiết kế 1.436 MW, tăng xấp xỉ 11%. Diễn biến giá tích cực cũng được ghi nhận ở cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 khi tăng xấp xỉ 10%; cổ phiếu SJD của Công ty cổ phần Thuỷ điện Cần Đơn tăng hơn 6%; cổ phiếu SHP của Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Nam tăng 7%…

Trong khi đó, đặc điểm của các nhà máy điện là hoạt động tương đối ổn định, ít sự đột biến, sản lượng điện phụ thuộc vào lượng nước đổ vào các hồ chứa. Có nghĩa, sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bên cạnh tình hình thuỷ văn thuận lợi sẽ gắn với hoạt động mở rộng đầu tư, nâng công suất điện.

Vậy nhưng, chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án thủy điện thường rất lớn, nhất là xây dựng đập và hồ chứa nước (dù chi phí vận hành và bảo dưỡng về sau thấp), nên việc đầu tư mở rộng là thách thức không nhỏ. Do đó, những doanh nghiệp có khả năng mở rộng đầu tư, nâng công suất mới được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Cơ điện lạnh hoạt động với vai trò doanh nghiệp đa ngành, nhưng thuỷ điện vẫn là mảng có tỷ trọng đầu tư lớn nhất của Công ty. Trong quý I/2024, lợi nhuận của Cơ điện lạnh giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, do sự suy giảm lợi nhuận từ các công ty thành viên và công ty liên kết thuộc nhóm thủy điện.

Mặc dù vậy, trong quý đầu năm 2024, Cơ điện lạnh đã thực hiện M&A thành công 100% Nhà máy Thủy điện Trà Khúc 2 (30 MW). Nhà máy này có tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý II/2024, khi đi vào hoạt động có thể nâng tổng công suất thủy điện lên 1.070 MW.

Với Thuỷ điện Thác Bà – công ty con của Cơ điện lạnh, doanh nghiệp đang tham gia đầu tư vào Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà 2, công suất 18,9 MW, khởi công ngày 15/10/2022. Tổng mức đầu tư của nhà máy là 706,537 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của Thủy điện Thác Bà là 49%.

Theo tiến độ ban đầu, Thủy điện Thác Bà 2 sẽ hoàn thiện công tác thi công xây dựng toàn bộ nhà máy trong tháng 7/2024. Đến tháng 11/2024, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục công việc để tích nước hồ chứa. Nhà máy dự kiến được đưa vào vận hành thương mại trong quý I/2025, cung cấp sản lượng điện bình quân khoảng 70 triệu kWh/năm.

Tại Tập đoàn PC1, một đơn vị hoạt động đa ngành gồm năng lượng, xây lắp, bất động sản, sản xuất công nghiệp, trong đó tham gia đầu tư nguồn điện từ năm 2016. Đến nay, doanh nghiệp vận hành thành công 7 nhà máy thủy điện có tổng công suất 170 MW, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Cuối năm nay, Tập đoàn PC1 dự kiến sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Bảo Lạc A, công suất 30 MW, dự kiến phát điện vào quý IV/2026. Doanh nghiệp đang tính toán để tối ưu hoá chi phí đầu tư dự án.

Ngoài ra, Tập đoàn PC1 đang chuẩn bị triển khai đầu tư dự án Thuỷ điện Thượng Hà, công suất 13 MW, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ky-vong-truoc-voi-co-phieu-thuy-dien-post345966.html