Chi tiết

Lạc quan nhất Asean, người tiêu dùng Việt Nam tăng chi tiêu cho lĩnh vực nào?

Tâm lý lạc quan nhất Asean

Theo Nghiên cứu Tâm lý Người tiêu dùng ASEAN (ACSS) 2024 của UOB, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý tích cực nhất trong khu vực Asean. Cụ thể, có hơn 70% người được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6 đến 12 tháng tới (tính từ tháng 6/2024), sau khi Việt Nam chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,42%, vượt trội so với mức tăng trưởng 3,84% cùng kỳ năm trước. Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố vào tháng trước, UOB cũng đã điều chỉnh tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam lên 6,4%, tăng từ mức dự báo 5,9% trước đó, sau khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP vượt trội trong quý 3 ở mức 7,4%.

Người tiêu dùng (1)
Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý lạc quan cao nhất khu vực Asean, theo UOB Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngoài ra, với việc mở cửa biên giới trở lại sau COVID-19, 71% người khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, chủ yếu là cho các chuyến công tác và du lịch – tỷ lệ này vượt qua mức trung bình của khu vực là 66% và cao hơn tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét: “Thật đáng mừng khi thấy người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực về sự lạc quan đối với tình hình kinh tế của quốc gia, với tâm lý tích cực này dường như đã góp phần vào sự gia tăng trong chi tiêu xuyên biên giới của người tiêu dùng Việt. Điều này phản ánh sự thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và tăng cường hội nhập khu vực”.

Ông cùng cho biết thông qua kết quả của báo cáo, cho thấy trọng tâm của ngân hàng trong việc cung cấp các giải pháp tài chính cá nhân hóa và các đặc quyền ưu tiên phù hợp với nhu cầu và mong muốn riêng biệt của khách hàng không chỉ tại địa phương mà còn trên toàn khu vực ASEAN là một chiến lược đúng đắn. “Đây là cách chúng tôi tiếp tục giữ vững vị thế và vai trò là đối tác đáng tin cậy, luôn nỗ lực làm những gì tốt nhất cho khách hàng của mình”, ông nói.

Lạm phát là mối lo ngại tài chính hàng đầu

Với kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam cho thấy sự tin tưởng lớn hơn vào sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn của đất nước, với tỷ lệ người khảo sát cảm thấy lo ngại về sự suy thoái kinh tế trong 6 đến 12 tháng tới đã giảm bảy điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ở mức 70%, tỷ lệ người khảo sát ở Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước cũng cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực. Người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất khu vực về vấn đề tài chính cá nhân, với 90% kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính ổn định hoặc khá hơn vào tháng 6 năm 2025, tiếp theo là Indonesia (89%) và Thái Lan (82%).

Mặc dù nỗi lo suy thoái đã giảm đi so với năm ngoái, 77% người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo lắng về các vấn đề liên quan đến tài chính, trong đó nhóm Gen Z thể hiện mức độ lo lắng cao nhất (87%), báo cáo cho biết.

Theo số liệu nghiên cứu, lạm phát gia tăng vẫn là mối lo ngại tài chính hàng đầu, được nêu ra bởi 60% số người được khảo sát ở Việt Nam, tiếp theo là lo ngại về sự gia tăng trong chi tiêu hộ gia đình (53%). Tuy nhiên, những con số này lần lượt cho thấy mức giảm tương ứng là sáu điểm phần trăm và chín điểm phần trăm so với tỷ lệ của năm ngoái, cho thấy căng thẳng xung quanh việc tăng giá cả trong nước đã giảm bớt.

Thực tế, lạm phát toàn cầu giảm nhiệt đã làm giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam, với chỉ số giá nhập khẩu trung bình trong chín tháng đầu năm 2024 giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu thế giới thấp hơn trong năm nay cũng tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, hiện vẫn đang được kiểm soát ở mức 3,9% (số liệu quý 3, năm 2024) – thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,0 – 4,5%.

Tăng mạnh chi tiêu cho trải nghiệm và du lịch

Trong năm qua, người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ba hạng mục hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã chi nhiều hơn trong năm qua là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%). Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống sang trọng, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%. Người tiêu dùng trẻ tuổi có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm nhiều hơn các nhóm khác, đặc biệt là Gen Z với 47% trong số họ cho biết đã chi nhiều hơn cho các hoạt động về trải nghiệm.

Tọa đàm
Chuyên gia của UOB Việt Nam và BCG chia sẻ tại buổi công bố về Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2024.

Về chi tiêu ở nước ngoài, hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, trong đó Thái Lan và Singapore là những điểm đến phổ biến nhất. Trong số các phương thức thanh toán ở nước ngoài, 71% người được hỏi cho biết họ thích sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ vật lý, hoặc thẻ tín dụng/ thẻ ghi nợ di động – trong khi chỉ có 38% thích sử dụng tiền mặt.

UOB Việt Nam cho biết dựa trên xu hướng này, trong những năm gần đây, Ngân hàng đã hợp tác với các thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực để mang đến các ưu đãi, đặc quyền ưu tiên độc đáo cho chủ thẻ tín dụng trong lĩnh vực du lịch và giải trí. Các đặc quyền này bao gồm quyền mua vé bán trước cho các buổi hòa nhạc và lễ hội lớn trong khu vực, hơn 1.000 ưu đãi cho các thương hiệu lớn trên khắp ASEAN và các chiến dịch khuyến mại đặc biệt cho chi tiêu xuyên biên giới. Cách tiếp cận này cho phép Ngân hàng tận dụng các hiểu biết sâu sắc về khách hàng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và sở thích liên tục thay đổi của họ.

Tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm: Lựa chọn chi tiêu ra sao?

Theo ACSS 2024, các đáp viên tham gia khảo sát đã cho kết quả gần 60% người tiêu dùng Việt Nam đã dành ra ít nhất ba tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình, chủ yếu là ở nhóm Gen Y. Nhu cầu đầu tư cũng rất mạnh mẽ, với 63% người tiêu dùng Việt Nam phân bổ hơn 10% thu nhập năm của họ cho các khoản đầu tư – cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực.

Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với bệnh hiểm nghèo, tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Trong khi 86% người tiêu dùng Việt Nam có bảo hiểm y tế cơ bản, chỉ có 15% có bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 24%. Ngoài ra, chỉ có 13% người tiêu dùng Việt có bảo hiểm tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thấp hơn bốn điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực.

Ông Paul Kim nhận xét lựa chọn dành thu nhập tỷ lệ thấp cho bảo hiểm có thể do vấn đề về cơ cấu dân số trẻ và điều này có thể thay đổi trong thời gian tới.

ACSS là nghiên cứu khu vực hàng đầu của UOB phân tích tâm lý và các xu hướng của người tiêu dùng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Đây là năm thứ 5 nghiên cứu được triển khai. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2024, khảo sát 5.000 đáp viên tại năm quốc gia, trong đó bao gồm 1.000 người từ Việt Nam. Đây cũng là năm thứ hai UOB hợp tác với Công ty Tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) trong nghiên cứu này. Chia sẻ thêm về kết quả báo cáo, bà Vân Đặng – Giám đốc dự án từ BCG cũng cho biết, một số các “từ khóa” từ kết quả khảo sát cho thấy mặc dù người tiêu dùng Việt Nam có 38 triệu người ở thành thị, tỷ lệ thấp so với Đông Nam Á, nhưng sẽ tăng do xu hướng phát triển kinh tế và dân số trẻ, hứa hẹn những điểm đầu tư từ phía các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt cho các thế hệ trẻ Gen Z và Gen Y. Theo bà Vân, có thể nói, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới.


Source link