Ngày 9-12, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất mới nhất tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đối với các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên đều chưa tới 5%/năm.
Cụ thể, VietinBank, Agribank và BIDV đang huy động lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn là 4,6%/năm.
Với kỳ hạn dài hơn từ 24 tháng, lãi suất tại VietinBank và Agribank là 4,8%/năm còn tại Vietcombank và BIDV là 4,7%/năm.
Các mức lãi suất này thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vào khoảng 5% – 5,5%/năm.
Trong khi các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn vào khoảng 5,5% – 6%/năm, một số ngân hàng niêm yết lãi suất gửi tiết kiệm vượt 6%/năm. Cá biệt một số ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi lên 8-9% khi khách hàng lớn gửi từ 500 tỉ đồng trở lên.
Tính đến tháng 9-2024, thống kê của Công ty chứng khoán Maybank cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã tăng trung bình khoảng 0,6 điểm % từ mức đáy trong tháng 3-2024, chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngân hàng cổ phần.
Trong khi các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) cố gắng kiểm soát mức tăng lãi suất tiền suất tiền gửi để đáp ứng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chuyên gia của Maybank kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm trung bình 0,5 điểm % trong 9 tháng tới do tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức hợp lý và không gây ảnh hưởng lớn cho ngân hàng và nền kinh tế (về mặt chi phí huy động vốn).
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định, dù lãi suất huy động nhích lên nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước. Hiện nay, lãi suất VNĐ ở mức 5%/năm là hợp lý. Mức lãi suất huy động ổn định sẽ góp phần ổn định thị trường vốn.
“Gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư để kỳ vọng thu khoản lợi nhuận cao, rủi ro thấp, tức thu lợi nhuận trên đồng tiền thụ động. Lãi suất tiền gửi tiền tại các nước phát triển trên thế giới đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát. Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm. Đây là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%” – TS Hiển nói.
Vì sao lãi suất huy động thấp sẽ tốt cho nền kinh tế?
Theo chuyên gia này, người dân quen gửi ngân hàng để vừa an toàn vừa muốn hưởng lãi suất cao nhưng sẽ tạo ra chi phí vốn cho ngành ngân hàng rất cao. Từ đó dẫn tới lãi suất cho vay doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cao.
“Riêng năm 2024 có thể nói là giai đoạn lãi suất ổn định, không phải là nơi tìm kiếm lợi nhuận giúp cho chi phí vốn thông qua cung ứng vốn tín dụng ngân hàng dần trở về mức hợp lý. Đây là điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững” – TS Đinh Thế Hiển nói thêm.