Chi tiết

Lãi suất thấp, dòng tiền dịch chuyển vào kênh đầu tư chứng khoán

Lựa chọn kênh đầu tư hợp lý và tăng trưởng bền vững luôn là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. Giữa bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nhà đầu tư còn tâm lý thận trọng với thị trường trái phiếu, trong khi giá vàng biến động khó lường và đang giảm dần sau động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) xung quanh vấn đề lựa chọn kênh đầu tư.

Năm nay thị trường chứng kiến sự trỗi dậy của vàng, trong khi bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn và thị trường chứng khoán vẫn hút dòng tiền nhàn rỗi. Ông nhận định thế nào về xu hướng tiền phân bổ vào các kênh đầu tư hiện nay?

Theo thống kê của chúng tôi, trong 5 tháng vừa qua, nếu nhà đầu tư gửi tiết kiệm từ đầu năm đến nay có tỷ suất sinh lời khoảng 2 – 3%, trong khi đầu tư chứng khoán tăng trưởng 12%, thị trường vàng tăng rất mạnh, tính từ đầu năm tăng 12 – 13%, tiền điện tử (crypto) tăng hơn 50%, bất động sản một số dự án tăng trở lại như tại Hà Nội, còn TP.HCM chậm hơn so với phía Bắc và khả năng phục hồi chưa rõ ràng. Riêng đối với thị trường trái phiếu, hiện nhà đầu tư đang có tâm lý thận trọng hơn.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC)
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC)

Năm nay thị trường chứng kiến hiện tượng đặc biệt khi cả vàng, chứng khoán đều tăng mạnh, trong khi thông thường hai lớp tài sản này có mối tương quan ngược chiều nhau, như khi khủng hoảng hoặc kinh tế khó khăn vàng tăng, còn chứng khoán giảm.

Trong thời gian qua lãi suất tiền gửi mặc dù có tăng nhẹ khoảng 0,5% nhưng vẫn ở mức thấp, kém hấp dẫn nhà đầu tư, một số khách hàng của TCSC đã đáo hạn không gửi tiền ngân hàng mà tìm kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán được lựa chọn.

Nếu tính tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm trên GDP, tỷ trọng tại Việt Nam là gần 63%, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 17%, Thái Lan 50%, Malaysia và Indonesia khoảng 40%. Khi lãi suất tại Việt Nam có xu hướng giảm, việc dịch chuyển kênh tiết kiệm sang kênh đầu tư khác xảy ra nhiều. Từ cuối năm 2023, tiền dịch chuyển sang vàng và chứng khoán. Những kênh đầu tư mang tính chất rủi ro cao, có tỷ suất sinh lời tốt như chứng khoán, bất động sản, tiền điện tử sẽ được nhà đầu tư lựa chọn nhiều hơn.

Trong thời gian tới, kênh đầu tư nào nào còn tiềm năng, và tiềm năng cụ thể như thế nào, thưa ông?

Mặt bằng lãi suất là yếu tố rất quan trọng, nếu lãi suất tiếp tục thấp thì chứng khoán sẽ được ưu tiên hơn. Trong khi nếu đầu tư bất động sản cần nguồn vốn lớn. Xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, crypto nhưng trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải đánh giá được mức chấp nhận rủi ro của mình cũng như tiềm năng của từng kênh đầu tư để có lựa chọn đúng.

Trước khi quyết định đầu tư vào tài sản nào phải đánh giá ưu, nhược điểm của tài sản đó. Ở Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đang thiếu phần đánh giá khả năng của mình khi đầu tư. Tại TCSC, trước khi đưa ra khuyến nghị đầu tư, chúng tôi thường có đánh giá rủi ro của khách hàng là gì, mục tiêu đầu tư, thời gian đầu tư là bao lâu, từ đó mới xác định kênh đầu tư tốt và phù hợp với nhà đầu tư.

Nếu nhà đầu tư thấy phù hợp với kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn. Chúng tôi phân tích dựa vào hai yếu tố chính. Thứ nhất theo xu hướng dòng tiền, với lãi suất thấp như hiện nay, dòng tiền sẽ đổ vào kênh đầu tư chứng khoán. Thứ hai nhìn vào yếu tố quyết định đầu tư nhiều hay ít là định giá của thị trường chứng khoán ở Việt Nam không phải quá nóng, mà còn được đánh giá là hấp dẫn trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 sắp tới.

Hiện tại, chỉ số P/E đang quanh mức 13,7 – 13,8 lần, tương đối thấp so với trung bình của thị trường Việt Nam tầm 17-18 lần. Còn xét riêng về P/B dường như đang thấp nhất trong lịch sử, duy trì quanh 1,6-1,7 lần. Hai yếu tố dòng tiền và định giá đang cho thấy chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư.

Chứng khoán có thể đầu tư một số tiền nhỏ không quá lớn như khi đầu tư bất động sản. Còn trong dài hạn, tiềm năng thị trường bất động sản có lớn. Một số dự án tại Long An, Đồng Nai đã giảm 20-30%. Thị trường cần thêm thời gian để phục hồi. Giai đoạn này bất động sản nhà ở có thanh khoản còn bất động sản đầu tư (nghỉ dưỡng, shophouse…) khó có thanh khoản hơn.

Ông có thể đưa ra vài khuyến nghị cho nhà đầu tư để sử dụng đồng tiền thông minh, sinh lời bền vững thì lựa chọn kênh đầu tư thế nào?

Nhiều nhà đầu tư có tiền nhưng không biết đầu tư thế nào có hiệu quả. Chúng tôi làm theo ba bước.

Thứ nhất, xây dựng được một chính sách đầu tư, biết được mục tiêu đầu tư, tỷ suất sinh lời, khả năng chịu được rủi ro, thời gian đầu tư trong bao lâu qua đó sẽ xác định được phù hợp với loại hình tài sản nào để quyết định đầu tư. Nếu chịu rủi ro kém, tỷ suất sinh lời mong muốn 5-6%, thì loại hình lãi suất tiền gửi sẽ phù hợp nhà đầu tư. Với nhà đầu tư kỳ vọng tỷ suất sinh lời 15-20% và khả năng chịu rủi ro rất tốt, thời gian đầu tư khoảng 1-2 năm tới, mục tiêu sinh lời, tăng trưởng thì chứng khoán là kênh hấp dẫn cho họ.

Thứ hai, khi nhà đầu tư đã xác định được muốn gì, sẽ phân tích nhà đầu tư có thời gian và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư như thế nào. Nếu họ không có thời gian, không có kiến thức thì cần tìm một chuyên gia, công ty hay đơn vị tư vấn, trả chi phí cho đơn vị đó để đầu tư.

Thứ ba, nâng cao kiến thức với những nhà đầu tư có thời gian dành cho kênh đầu tư đó mà chưa có nhiều kiến thức, cần tiềm hiểu để nắm được phương pháp đầu tư đạt mục tiêu, có lợi thế cạnh tranh, chiến thắng trên thị trường chứng khoán, biết được khả năng đầu tư.

Đó là ba bước nhà đầu tư cân nhắc để có đầu tư tăng trưởng bền vững.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/lai-suat-thap-dong-tien-dich-chuyen-vao-kenh-dau-tu-chung-khoan-post346651.html