Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu tháng 6-2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cho thấy bức tranh chưa mấy sáng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản.
Cụ thể, trong tháng 6-2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 20.400 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Trong số này không có các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khả năng trả nợ của nhóm này vẫn ở mức yếu.
Ngược lại, nhóm ngành ngân hàng chiếm tới 94% tổng giá trị phát hành như ACB 10.000 tỉ đồng; Shinhan Việt Nam 4.000 tỉ đồng; MSB 2.000 tỉ đồng… Lãi suất trái phiếu phát hành của các ngân hàng từ 4,5-5,3%/năm.
Theo MBS, những quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp đã phát hành đạt hơn 93.800 tỉ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ. Lãi suất bình quân trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 7,8%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm ngoái.
Đáng chú ý, ngân hàng đã vượt bất động sản trở thành nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 53.800 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 57% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Trong khi đó, nhóm bất động sản đứng thứ 2 về tổng giá trị phát hành đạt 25.300 tỉ đồng, lãi suất bình quân cao 12,3%/năm.
Một thông tin được MBS đưa ra là trong tháng 6, thị trường tiếp tục ghi nhận thêm 2 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản, nâng tổng số doanh nghiệp chậm trả lên tới 113.
Ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán hiện lên tới 197.100 tỉ đồng, chiếm 19,6% dư nợ trái phiếu của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỉ trọng lớn nhất, khoảng 70% giá trị chậm trả.
Không chỉ gặp khó khăn chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, các doanh nghiệp bất động sản còn đang phải “cạnh tranh” để thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi nhích lên.
Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Khối phân tích và nghiên cứu Tín dụng, FiinRatings (Fiingroup) cho thấy lãi suất tiết kiệm trong nước gần đây đảo chiều tăng trở lại và cũng có thể là chất xúc tác cho trái phiếu có kỳ hạn dài với lãi suất cố định. Dù môi trường lãi suất quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng cổ phần tư nhân đã tăng bình quân 0,19 điểm % và 0,17 điểm % trong tháng 5 và tháng 6.
“Điều này sẽ làm cho các trái phiếu doanh nghiệp có cơ chế lãi suất thả nổi có rủi ro cao hơn. Bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn. Ở chiều ngược lại, đây cũng là một trong các chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cố định nhằm tận dụng môi trường lãi suất thấp và giảm rủi ro lãi suất” – các chuyên gia của FiinRatings nhận định.